HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 2 năm 2025)

2/24/2025 8:31:54 AM

1. Ông Lê Đức Hùng đang sinh sống ở Bình Định hỏi:

Đề nghị quý cơ quan cho biết, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Trả lời:

Căn cứ Điều 58 Luật Việc làm, quy định về tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng Bảo hiểm thất nghiệp.

- Người lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng Bảo hiểm thất nghiệp.

2. Bà Nguyên Thị Khuyên đang sinh sống tại Lâm Đồng hỏi:

Đề nghị quý cơ quan cho biết, người đang hưởng lương hưu hàng tháng, nếu đủ điều kiện ra nước ngoài định cư có được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 65, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.

 Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng Bảo hiểm xã hội, trong đó mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

3. Đồng chí Trần Xuân Thắng đang công tác tại Quân khu 4 hỏi:

Đề nghị quý cơ quan cho biết, quy định về đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần để hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu?

Trả lời:

Khoản 6, Điều 85, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đóng tiếp Bảo hiểm xã hội một lần để hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu như sau:

Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất./.

BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG