Nghệ thuật huy động và sử dụng lực lượng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945

8/15/2018 7:07:03 AM

Cách đây 73 năm, vào mùa Thu lịch sử, cả dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Kỳ tích đó, đã để lại nhiều bài học có giá trị thực tiễn; trong đó, nghệ thuật huy động và sử dụng lực lượng là nét đặc sắc.

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa long trời, lở đất, đập tan ách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật và thực dân Pháp, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến tàn bạo, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Mùa Thu ấy đã ghi một trang chói lọi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận lầm than nô lệ lên làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ non sông đất nước. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng điển hình về nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa, giành chính quyền ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, bằng khởi nghĩa vũ trang. Mặc dù cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên phạm vi cả nước, nhưng chỉ trong 12 ngày đêm (từ ngày 13 đến ngày 25-8-1945), nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi vĩ đại đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Cương lĩnh của Đảng vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam, đó là huy động, sử dụng đông đảo lực lượng chính trị quần chúng, kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng hỗ trợ, tạo sức mạnh to lớn để Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Đúng như Di huấn của C. Mác: khởi nghĩa là một bài toán có những đại lượng rất bất định mà giá trị có thể thay đổi hằng ngày; lực lượng của đối phương có đủ mọi ưu thế về tổ chức, kỷ luật và quyền uy vốn có từ lâu; nếu không có lực lượng mạnh hơn hẳn để đối phó với đối phương thì chắc chắn sẽ thua và bị tiêu diệt.

Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, bộ máy thống trị của đế quốc và phong kiến là bộ máy chính quyền tập trung - trung ương trực tiếp nắm các địa phương, được bảo vệ bởi đội quân viễn chinh (trước ngày 09-3-1945 là quân đội Pháp và Nhật, sau đó là quân đội Nhật) cùng binh lính tay sai người Việt, được trang bị vũ khí vượt trội và có ưu thế về tổ chức, huấn luyện. Vì vậy, Đảng ta xác định: khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước không chỉ là đấu tranh vũ trang của lực lượng vũ trang cách mạng mà còn là những cuộc nổi dậy đánh giặc của toàn dân.

Thực hiện đường lối đó, để chuẩn bị mọi mặt tiến đến Tổng khởi nghĩa, trong quá trình vận động cách mạng, Đảng ta chủ trương, trước hết là xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang nhân dân, tạo ra lực lượng to lớn, có sức mạnh tổng hợp cao, hơn hẳn đối phương. Đặc biệt, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có tầm nhìn chiến lược, nắm chắc tình hình thế giới, trong nước, chớp lấy thời cơ thuận lợi có một không hai (nước Nhật bại trận và đầu hàng đồng minh trong Thế chiến thứ II, quân đội của chúng và chính quyền bù nhìn Việt Nam đang hoang mang, dao động cực độ), kịp thời chuyển hướng chiến lược, phát động cao trào toàn dân kháng Nhật, cứu nước. Theo đó, thời kỳ này ta động viên được đông đảo quần chúng tham gia một cách sôi nổi, mạnh mẽ; lực lượng chính trị được phát triển sâu, rộng đã tạo cơ sở để lực lượng vũ trang từng bước phát triển cả ở nông thôn, thành thị cũng như trung du và rừng núi. Tiếp đó, ngay sau Lời kêu gọi (Quân lệnh số 1) của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa các cấp, lực lượng chính trị quần chúng tiếp tục được mở rộng với quy mô lớn hơn, rộng khắp các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tạo sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân thù. Vì vậy, khi Tổng khởi nghĩa diễn ra, đội ngũ đấu tranh chính trị là lực lượng quần chúng đông đảo (có lực lượng vũ trang cách mạng địa phương hỗ trợ), chỉ với gậy gộc, giáo mác, thậm chí là tay không đã nhất tề theo Đảng, Bác Hồ đứng lên đấu tranh dưới các hình thức: mít tinh có vũ trang, biểu tình - tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang,… nhưng đã làm chủ hoàn toàn cả về thế và lực, xông lên như vũ bão, đánh chiếm các cơ quan đầu não cùng các cơ sở, đồn trại của địch, giành chính quyền về tay nhân dân.

Biểu tình vũ trang chiếm Phủ Khâm sai ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Thực tiễn đã minh chứng, ngày 18-8-1945, cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã bị Ủy ban khởi nghĩa Thành phố biến thành cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng. Để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, ta đã bí mật huy động một lực lượng lớn quần chúng của các tổ chức cứu quốc thuộc nội thành, ngoại thành, Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong (đã được xây dựng từ trước) để bất ngờ, đồng loạt tung nhiều cờ đỏ sao vàng, kết hợp giành quyền diễn thuyết, tuyên truyền về sự đầu hàng quân đồng minh của Nhật và kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh. Sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng nhân dân, là thời cơ chín muồi để từng dòng người (có các đội viên Tự vệ chiến đấu dẫn đầu) cuồn cuộn từ Nhà hát lớn qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”, v.v. Hàng chục vạn nhân dân nội thành, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng; quần chúng cách mạng với sự hỗ trợ của các đội Tự vệ chiến đấu lần lượt đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch, như: Phủ Khâm sai Bắc Bộ, Sở Mật thám, Sở Cảnh sát Trung ương, Sở Bưu điện, Trại Bảo an binh, v.v. Trước khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao, chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp. Tối 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội hoàn toàn thắng lợi, tác động mạnh mẽ đến cục diện cách mạng cả nước, khởi nghĩa lan ra nhiều nơi, từ Bắc Bộ đến Trung Bộ, Nam Bộ và nhanh chóng giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc.

Khẳng định nghệ thuật và tầm quan trọng của việc huy động lực lượng chính trị quần chúng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đánh giá: “Cách mạng Tháng Tám… đã tập hợp được hàng triệu quần chúng đấu tranh chống bọn phản động nội địa và bọn vua quan phản động, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện dân sinh và bảo vệ hòa bình thế giới”1.

Cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, còn do Đảng ta xác định rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng trong suốt tiến trình cuộc khởi nghĩa. Đó là, cùng với sự tham gia đông đảo của quần chúng, cần phải có lực lượng vũ trang bảo vệ lực lượng chính trị, tạo động lực, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, làm nòng cốt để chiến đấu tiêu diệt những kẻ chống lại, giành chính quyền. Để sử dụng hiệu quả lực lượng vũ trang trong Tổng khởi nghĩa, ngay từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (năm 1941), Đảng ta đã quyết định: xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng, tổ chức các đội tự vệ, tiểu đội du kích cứu quốc, du kích chính thức, thành lập các căn cứ địa cách mạng. Do đó, nhiều đội du kích được thành lập cùng với các lực lượng vũ trang rộng rãi của quần chúng trong các đoàn thể cứu quốc, như: Đội du kích Bắc Sơn (ra đời trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được duy trì và phát triển thành Cứu quốc quân), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, v.v. Khi Tổng khởi nghĩa nổ ra, Ủy ban khởi nghĩa các địa phương đã sử dụng triệt để sức mạnh quân sự của các đơn vị giải phóng quân, du kích quân,… nhanh chóng từ căn cứ địa và các địa phương tiến gấp về các trung tâm đầu não địch, vô hiệu hóa lực lượng chống đối, mở đường cho quần chúng xông lên lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới của nhân dân ở các huyện, phủ, tỉnh lỵ. Trong những hoàn cảnh cụ thể, lực lượng này còn trực tiếp tiêu diệt địch, xóa bỏ chính quyền của chúng và thành lập chính quyền cách mạng.

Tại Việt Bắc, một đơn vị chủ lực Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên đánh địch, phối hợp với quần chúng lập chính quyền cách mạng ở đây, sau đó tiến thẳng về Hà Nội. Các đơn vị Giải phóng quân Cao Bằng tiến đánh thị xã Cao Bằng và Hà Giang. Các đơn vị Giải phóng quân Bắc Cạn tiến đánh thị xã Bắc Kạn, v.v. Tại miền Trung, từ chiến khu Vinh Sơn (Quảng Ngãi), đại đội du kích Phan Đình Phùng chia thành các cánh quân tỏa đi đánh chiếm các đồn và giải phóng các huyện: Di Lăng, Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh; từ chiến khu Núi Lớn, đại đội du kích Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, giải phóng các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, sau đó cả hai đại đội du kích cùng tiến về chiếm tỉnh lỵ, v.v. Tại Nam Bộ, các đội tự vệ, đội xung phong phát triển nhanh chóng ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc,… với tinh thần “Nam Kỳ khởi nghĩa”, các đơn vị vũ trang địa phương hỗ trợ tích cực cho lực lượng chính trị quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh, huyện khắp miền Nam.

Như vậy, chỉ với lực lượng vũ trang nhỏ bé, vũ khí, trang bị rất thô sơ, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa các địa phương sử dụng lực lượng một cách phù hợp trong những hoàn cảnh cụ thể, phát huy tối đa thế mạnh để hỗ trợ quần chúng đứng lên cướp chính quyền. Khẳng định vai trò hỗ trợ to lớn của lực lượng vũ trang đối với lực lượng quần chúng chính trị trong Tổng khởi nghĩa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra: “Ngay khi cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra thì trong cao trào nổi dậy của quần chúng ở một số địa phương cũng đã xảy ra những cuộc chiến đấu vũ trang giữa quân đội cách mạng và quân đội phản động. Cho nên, lực lượng chủ yếu trong khởi nghĩa là lực lượng chính trị của quần chúng được vũ trang rộng rãi; nhưng có đội quân cách mạng làm chỗ dựa thì phong trào nổi dậy của quần chúng càng có sự hỗ trợ và cổ vũ đắc lực hơn, khởi nghĩa càng có thêm điều kiện thắng lợi”2.

Tóm lại, qua thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cho thấy, việc huy động đúng đắn lực lượng chính trị quần chúng với sử dụng lực lượng vũ trang tiến công quân sự và khéo kết hợp hai hình thức đấu tranh: đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự để thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển mạnh mẽ chính là mấu chốt giành thắng lợi. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Đảng ta đúc rút, xây dựng phương pháp đấu tranh cách mạng trong 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá NGUYỄN THẾ VỴ
_______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 496.

2 - Võ Nguyên Giáp - Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân, Nxb QĐND, H.1973, tr. 121.