Viện Kỹ thuật Công trình đặc biệt nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

10/21/2019 7:33:08 AM

Cùng với công tác giáo dục, đào tạo, Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xây dựng công trình quân sự, công trình đặc biệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế đất nước.

Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự bậc đại học và sau đại học các ngành về xây dựng công trình quốc phòng, trắc địa bản đồ, địa tin học; nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng; khảo sát, thiết kế, thẩm tra, đánh giá chất lượng các công trình; tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, song cán bộ, nhân viên của Viện luôn nêu cao tinh thần vượt khó, hoàn thành hàng trăm công trình, đề tài khoa học các cấp1, góp phần phát triển khoa học kỹ thuật quân sự và phát triển kinh tế đất nước. Tiêu biểu là các đề tài, công trình nghiên cứu: giải pháp xây dựng công trình quốc phòng trên quần đảo Trường Sa; giải pháp vật liệu ngụy trang trong chiến tranh công nghệ cao; giải pháp kỹ thuật công trình cầu bản kết hợp đường tràn trên đường cơ động bộ đội vùng Tây Bắc; nhóm đề tài quy hoạch hệ thống phòng không quốc gia, phòng không lục quân, đường tuần tra biên giới, đồn trạm biên phòng; cầu cảng quân sự, sân bay toàn quốc; công sự dã chiến, hầm phòng thủ dân sự, v.v.

Đại tá Nguyễn Trí Tá chủ trì nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện đề tài khoa học

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học của Viện còn những mặt hạn chế, tồn tại, như: số lượng đề tài chưa nhiều, nhất là đề tài nghiên cứu cơ bản; một số đề tài chậm tiến độ, quá hạn, chất lượng có mặt còn hạn chế; khai thác công năng các phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng hiệu quả chưa cao, v.v. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí thực hiện các đề tài còn có hạn; một số đề tài chưa bám sát nhu cầu thực tế; cơ sở vật chất, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, cơ chế quản lý, điều hành, quy trình thực hiện đề tài có mặt chưa theo kịp sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ, v.v.

Hiện nay, yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho Viện nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết trong lĩnh vực công trình quân sự, phòng thủ dân sự, cứu hộ cứu nạn khi có thảm họa thiên tai, nhất là các biện pháp đối phó với thủ đoạn, phương thức tác chiến hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Nhận thức rõ điều đó, với vai trò là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về xây dựng công trình quân sự, công trình đặc biệt, Viện luôn tích cực tìm biện pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, nâng cao chất lượng, năng lực nghiên cứu, nhằm cung cấp sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn phục vụ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế của đất nước.

Trước hết, Viện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đối với công tác nghiên cứu khoa học. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, cùng các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, Viện chỉ đạo Hội đồng khoa học và đào tạo nghiên cứu nắm chắc xu hướng phát triển của vũ khí, trang bị, công nghệ quân sự trên thế giới; ý định, nhu cầu nghiên cứu xây dựng công trình quân sự của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân,... để đề xuất các hướng nghiên cứu, hướng học thuật, đề xuất, mở mới các đề tài nghiên cứu sát với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; gắn nghiên cứu theo hướng truyền thống với nghiên cứu ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, bảo đảm đồng bộ, có chiều sâu, hệ thống. Hiện nay, Viện ưu tiên các hướng nghiên cứu về: công sự; công trình ngầm; công trình biển, đảo; công trình có chức năng đặc biệt, xây dựng trong môi trường đặc biệt,... chịu được áp lực của sóng xung kích, sóng biển, động đất, gió bão lớn. Trọng tâm là nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới; nâng cao độ bền và hiệu quả xây dựng; quan trắc trạng thái, kết cấu công trình từ xa; nhận dạng và đánh giá chất lượng nổ phá, v.v. Ngoài ra, Viện còn chú trọng xây dựng một số hướng học thuật mũi nhọn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới; ngụy trang, nghi trang công sự dã chiến, cầu dã chiến phục vụ huấn luyện, chiến đấu trong chiến tranh công nghệ cao...; mở các đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp chương trình, dự án xây dựng, hiện đại hóa Quân đội.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Viện tập trung xây dựng các bộ môn thành tổ chức học thuật mạnh; phân cấp, phân luồng nghiên cứu cho các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện quy chế hoạt động và quy chế tài chính đối với công tác nghiên cứu làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch, mở đề tài, nghiệm thu và quyết toán. Chú trọng xây dựng lộ trình thực hiện đề tài phù hợp với tiến độ dự án và quản lý chặt chẽ hồ sơ thiết kế. Trong thực hiện, Viện yêu cầu nhóm thực hiện đề tài có kế hoạch cụ thể, trình bày rõ phương án, phân rõ trách nhiệm cho thành viên, làm cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, Viện chỉ đạo các bộ môn có kế hoạch ưu tiên thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nghiên cứu chủ chốt hoàn thành đề tài đúng tiến độ. Nhằm tăng số lượng đề tài nghiên cứu, Viện tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ cho các tập thể, cá nhân; khuyến khích cán bộ đăng ký đề tài cấp Viện và phát huy tính năng động, sáng tạo, nắm bắt những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhu cầu của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân để đề xuất mở mới đề tài, phối hợp thực hiện.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Viện cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện chủ trương “nghiên cứu khoa học phải đi trước một bước”, Viện đã và đang đề xuất mở rộng hướng, lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao số lượng, chất lượng đề tài. Trước mắt, Viện tập trung đổi mới nội dung, chương trình toàn khóa cho các loại hình đào tạo; mở thêm các mã ngành đào tạo thạc sĩ, văn bằng 2 và hợp tác đào tạo các khóa ngắn hạn; nghiên cứu, mở các đề tài phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng, bổ sung, cập nhật hệ thống giáo trình, tài liệu, nhất là trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đội tuyển Olympic của Viện đạt giải Nhất đồng đội môn thi “Ứng dụng tin học trong cơ học kết cấu” (năm 2019)

Để đẩy mạnh phong trào, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hạn chế các đề tài không thành công, quá hạn, Viện tăng cường kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo, nhất là trong đào tạo thạc sĩ, nghiên cứu sinh; khuyến khích học viên lựa chọn đề tài luận văn, luận án theo hướng nghiên cứu chính của Viện; phân công cán bộ hướng dẫn phù hợp và đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ tiến độ, chất lượng luận văn, luận án, v,v. Đồng thời, chỉ đạo các bộ môn, giảng viên chủ động tìm tòi, gợi ý các ý tưởng, hướng nghiên cứu mới để học viên lựa chọn; khuyến khích giảng viên đăng ký mở đề tài, công bố các bài báo khoa học; có kế hoạch ưu tiên một số giảng viên trẻ làm chủ nhiệm đề tài cấp Học viện, tham gia đề tài cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất nghiên cứu ngang tầm nhiệm vụ. Trong nghiên cứu khoa học hiện đại, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Với nhận thức đó, Viện tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ số lượng, năng lực đảm đương nhiệm vụ, đạt học vị, chức danh khoa học theo quy định. Trong đó, chú trọng tuyển chọn, quy hoạch, bổ sung lực lượng cán bộ nghiên cứu hợp lý, đúng quy định; ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu mới, mũi nhọn, chuyên ngành quan trọng, còn thiếu. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng cho cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các bộ môn với nhiều hình thức, như: đào tạo cơ bản, tại chức; tham gia tư vấn khoa học; viết sách, tạp chí; tập huấn sử dụng trang bị; nghiên cứu khoa học,... bảo đảm đủ năng lực nghiên cứu, làm việc nhóm, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Công tác bồi dưỡng thường xuyên được Viện xác định là nền tảng xây dựng các chuyên gia đầu ngành cho từng lĩnh vực nghiên cứu; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ trên giao và hợp tác quốc tế. Viện đề xuất các cơ quan chức năng đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị thí nghiệm, phần mềm quản lý, tiến tới xây dựng thao trường thí nghiệm để thực hiện được những thí nghiệm liên quan đến nổ phá công trình, môi trường phức tạp,... với độ chính xác cao, tạo nền tảng kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhất là phục vụ nghiên cứu chuyên sâu.

Bốn là, đẩy mạnh liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học. Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả đối với công tác này. Thời gian qua, Viện đã liên kết, hợp tác với nhiều đối tác là các trung tâm, cơ sở nghiên cứu khoa học trong Quân đội để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, được Hội đồng khoa học Nhà nước, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Tuy nhiên, việc hợp tác vẫn còn bó hẹp trong lĩnh vực quân sự và các hướng nghiên cứu truyền thống; chưa đa dạng đối tác, nhất là hợp tác có yếu tố nước ngoài. Thời gian tới, Viện chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ với các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học trong và ngoài Quân đội, nhất là Bộ Tư lệnh Công binh, Cục Doanh trại, Cục Cứu hộ Cứu nạn,... để hợp tác mở đề tài theo yêu cầu thực tế. Đồng thời, phối hợp với hội đồng khoa học của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân hợp tác nghiên cứu, triển khai sử dụng các kết quả nghiên cứu. Thông qua đó, vừa tăng số lượng đề tài, vừa đẩy nhanh việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tế và thu thập các tư liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, Viện liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong Học viện, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu nhiều kinh nghiệm trong ngành; liên kết với các tổ chức khoa học trong nước để bảo đảm năng lực tham gia các dự án lớn của Bộ Quốc phòng, Nhà nước. Đồng thời, hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành trên thế giới, một số tổ chức khoa học của Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Cộng hòa Úc,... để mở rộng lĩnh vực nghiên cứu mới về tác dụng của phương tiện sát thương, vật liệu ngụy trang, bệnh học công trình. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động tư vấn xây dựng và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; duy trì nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu cấp Viện và Học viện; tổ chức, tham gia các hội thảo khoa học và công bố kết quả nghiên cứu tầm quốc tế.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN TRÍ TÁ, Viện trưởng
______
________

1 - Từ năm 2015 đến nay, Viện đã hoàn thành 12 đề tài, chương trình cấp Nhà nước; 27 đề tài cấp Bộ; 54 đề tài cấp Học viện. Công bố: 56 công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế có chỉ số ISI, Scopus; 368 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước; 121 báo cáo tại hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; xuất bản 48 đầu tài liệu, sách, giáo trình, v.v.