Những chủ trương công tác lớn

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia

3/11/2023 10:59:54 AM

Chiều 10/3, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) tổ chức Phiên họp lần thứ nhất để đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo; đại biểu cơ quan Văn phòng Ban chỉ đạo…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Theo Điều 20 của Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; chỉ đạo, hướng dẫn bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; chỉ đạo, điều phối phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo còn quyết định các biện pháp cấp bách, huy động các nguồn lực của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, cá nhân để phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo thống kê số liệu thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của các địa phương, bộ, ngành Trung ương và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và nguồn lực phòng thủ dân sự, khắc phục thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành trung ương, địa phương thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ...

Tại phiên họp đầu tiên, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đại biểu nghe báo cáo đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Tiếp đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Phó trưởng Ban chỉ đạo điều hành phiên thảo luận, tập trung vào đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đề xuất, kiến nghị các giải pháp, biện pháp để tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác...

Báo cáo tại phiên họp cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, công tác phòng thủ dân sự đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được những kết quả quan trọng. Ban chỉ đạo đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, đạt kết quả tốt, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc; xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm ổn định để cả nước tập trung phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Nổi bật là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng thủ dân sự tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Trung ương và địa phương. Công tác xây dựng kế hoạch ứng phó ở các bộ, ngành, địa phương đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp lực lượng khi có tình huống xảy ra. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, giúp người dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng thủ dân sự. Các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm đã được quan tâm bổ sung, kiện toàn về tổ chức, đầu tư nhiều trang bị, huấn luyện nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Nhìn chung, hoạt động phòng thủ dân sự năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 trong nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần làm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của Việt Nam, trong đó nòng cốt là lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện đường lối, chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Qua đó, khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm, năng lực của lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam trong hội nhập, hợp tác quốc tế; lan tỏa truyền thống tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam “tương thân, tương ái”, để lại những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ và bạn bè quốc tế.

Quang cảnh phiên họp

Qua nghe báo cáo trung tâm và ý kiến thảo luận của các đại biểu, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao sự tích cực, chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương và tính chủ động của nhân dân; sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế yêu cầu các cơ quan, thành viên Ban chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục, nhất là các nguyên nhân do lỗi chủ quan.

Xác định năm 2023, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến vẫn hết sức phức tạp, khó lường, để thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương phải chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo và Chương trình hành động của Chính phủ về nội dung này. Cùng với đó, phát huy tốt hơn nữa vai trò, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc; lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dân phòng, công an xã, phường, thị trấn, lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các bộ, ngành, địa phương cùng lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia. Công tác phòng thủ dân sự phải chủ động hơn nữa, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra xung đột, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng thủ dân sự trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương; công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng.

Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan, bộ phận liên quan rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự, bảo đảm đồng bộ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện Luật Phòng thủ dân sự; xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự cũng như Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó với các loại hình thiên tai, thảm họa ở các cấp, địa phương bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, trong đó lấy phòng ngừa là chính, xác định nhiệm vụ phòng thủ dân sự không chỉ của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp mà phải dựa vào người dân, doanh nghiệp. Từ đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức cộng đồng về hoạt động phòng thủ dân sự, phòng tránh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Các cơ quan, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức ban chỉ đạo các cấp đi đôi với kiện toàn lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tham mưu; thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các tình huống, phương án, kế hoạch ứng phó với các thảm họa, sự cố cơ bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, Ban chỉ đạo và các cơ quan, bộ phận giúp việc tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tham gia phòng thủ dân sự, thu hút nguồn lực xã hội hóa công tác phòng thủ dân sự. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, tìm kiếm cứu nạn, nhất là với các nước trong khu vực về ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

“Phòng thủ dân sự có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội. Tin rằng, kết quả tại phiên họp này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức, tạo tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm hành động cao hơn để công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng trước khi kết thúc phiên họp.

Nguồn: qdnd,vn