Kế sách đập tan “hai gọng kìm” xâm lược của nhà Tống

11/18/2019 9:22:14 AM

Sử dụng “hai gọng kìm” để xâm lược, thôn tính Đại Việt (từ phía Bắc đánh xuống, từ phía Nam đánh lên) là âm mưu thâm căn, cố đế của các vương triều phong kiến Trung Quốc. Đây cũng là âm mưu được nhà Tống sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần hai (1075 - 1077), song đã bị quân và dân triều Lý đập tan.

Vào những năm cuối thập niên 60 (thế kỷ XI), nhà nước phong kiến Tống (Trung Quốc) bị lún sâu vào mâu thuẫn xã hội gay gắt. Các phe phái chính trị đối chọi nhau ở khắp các địa phương và chốn cung đình. “Cuộc biến pháp” nhằm phục hưng nước Tống do phe Tân đảng của Tể tướng Vương An Thạch tiến hành, bị phe Cựu đảng của cựu Tể tướng Tư Mã Quang phản đối mạnh mẽ và sự ngầm phá quyết liệt của tầng lớp đại địa chủ, thương gia. Trên biên giới phía Bắc, hai nước Liêu, Hạ ra sức uy hiếp lãnh thổ, lấn chiếm đất đai,... làm cho khủng hoảng, triều chính nhà Tống càng rối bời, khó kiểm soát.

Trong lịch sử phong kiến phương Bắc, không chỉ lúc hưng thịnh mà ngay cả khi nội bộ lục đục, nội các không tin cậy lẫn nhau, thì giới cầm quyền thường nghĩ đến việc lập một võ công oanh liệt để làm chủ dư luận, khuếch trương thanh thế. Đối với triều Tống (đời vua Thần Tông) cũng vậy. Khi không đủ sức bình định Liêu, Hạ ở phương Bắc, họ đưa ra phương sách “giết gà, dọa khỉ”, bằng việc lên kế hoạch xâm lược Đại Việt ở phương Nam. Nếu chinh phục được Đại Việt, thế của nhà Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ ắt phải chùn bước; đồng thời, là cơ sở để phe Tân đảng “tỏ cái công hiệu việc cải tổ của mình”1, tạo uy lực áp đảo phái thủ cựu trong triều. Với suy tính “nhất cử, lưỡng tiện” đó, triều Tống (đứng đầu là vua Tống Thần Tông và tể tướng Vương An Thạch) lại tập trung mọi cố gắng chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Âm mưu tiến công xâm lược Đại Việt của giặc Tống lần này bằng kế sách “hai gọng kìm”. Theo đó, một mặt, nhà Tống bí mật xây dựng căn cứ quân sự và hậu cần ở vùng giáp biên giới phía Bắc, Đông Bắc Đại Việt, làm nơi xuất phát tiến công của các đạo quân xâm lược từ hướng Bắc. Mặt khác, vua Tống sai người mang chiếu dụ đến Chiêm Thành và Chân Lạp để mua chuộc, lôi kéo vua các nước này điều quân phối hợp tiến công Đại Việt từ phía Nam. Sử cũ của Trung Quốc ghi rõ “Chiêm Thành và Chân Lạp có huyết thù với Giao Chỉ. (Vua Tống) sai Hứa Ngạn Tiêu và Lưu Sơ mộ bọn buôn biển dăm ba người đi dụ vua các nước ấy cùng tham dự vào việc (đánh Giao Chỉ), cùng hiệp lực với Vương sư (chỉ quân Tống) công thảo. Sau khi bình định sẽ phong thưởng tước”2.

Với tinh thần cảnh giác giữ nước cao độ và thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt, nhà Lý, đứng đầu là Lý Nhân Tông và Danh tướng Lý Thường Kiệt đã cùng các triều thần họp bàn, hoạch định kế sách đúng đắn, sáng tạo, lãnh đạo quân, dân Đại Việt tiến hành “bình Chiêm, dẹp Tống”, đập tan âm mưu thâm độc của giặc Tống tiến công bằng “hai gọng kìm” xâm lược Đại Việt.

Một là, tập trung lớn lực lượng tiến hành đòn tiến công quyết định, bẻ gãy gọng kìm phía Nam. Ở khu vực biên giới phía Nam Đại Việt, quân Chiêm Thành quấy rối liên miên, nhất là sau khi được sự ủng hộ, khuyến khích của triều Tống, vua Chiêm Thành là Chế Củ ngày càng táo tợn, sai quân xâm lấn biên giới Đại Việt, có lần chúng vượt biển đánh sâu vào Nghệ An và sẵn sàng phối hợp với nhà Tống xâm lược Đại Việt, thực hiện ý định mở rộng lãnh thổ Chiêm Thành lên phía Bắc. Hiểu rõ âm mưu của địch, vua Lý Thánh Tông lập tức hạ chiếu “bình Chiêm”, nhằm đánh bại quân Chiêm Thành ở phía Nam trước khi quân xâm lược Tống từ phía Bắc tràn xuống. Năm 1069, nhà Vua thân chinh cùng Lý Thường Kiệt thống lĩnh 05 vạn quân, chủ động mở cuộc tiến công Chiêm Thành. Tuy bước đầu gặp một số khó khăn nhất định, song với ý chí quyết tâm cao, cùng sự chỉ huy tài giỏi và có một lực lượng hơn hẳn địch, quân Đại Việt đã tiến hành những đòn tiến công mãnh liệt, lần lượt đánh bại thủy binh Chiêm Thành ở cửa Nhật Lệ, tiếp đến đập tan tuyến phòng thủ của địch trên sông Tu Mao, rồi đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, bắt Chế Củ về Đại Việt (sau này Lý Thánh Tông tha trở về nước). Mặc dù vậy, vua Chiêm Thành vẫn ngoan cố, không chịu khuất phục. Năm 1074, trước sự kích động của triều Tống, Chiêm Thành lại cho quân đánh phá biên cảnh Đại Việt. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để phương Bắc - nhà Tống tổ chức xâm lược Đại Việt. Thực hiện ý đồ đó, nhà Tống gấp rút chuẩn bị chiến tranh, ráo riết điều động lực lượng, thuyền, bè và vận chuyển lương thảo ra các căn cứ gần biên giới.

Để tập trung lực lượng đối phó với nguy cơ xâm lược của giặc Tống đang tới gần, tháng 9-1075, Lý Thường Kiệt tiếp tục đem quân đi tuần xuống miền Nam, phủ dụ người Chiêm, vẽ lại bản đồ sông, núi, đổi tên 03 châu là Bố Chính, Lâm Bình, Minh Linh; đồng thời, xây dựng thêm nhiều đồn, lũy và động viên đông đảo dân Đại Việt vào ở xen lẫn với người Chiêm Thành, mục đích biến dải đất binh đao thành đất an bình ở phía Nam đất nước. Như vậy, với kế sách chủ động mở cuộc tiến công đánh bại lực lượng quân sự Chiêm Thành, diệt trừ hiểm họa (năm 1069); đi kinh lược và tổ chức bố phòng chu đáo, tạo sự ổn định vùng đất biên giới phía Nam, nhà Lý đã làm phá sản âm mưu của nhà Tống lôi kéo quân Chiêm Thành phối hợp với chúng đánh Đại Việt. “Gọng kìm” phía Nam bị bẻ gãy, tạo điều kiện để nhà Lý tập trung mọi sự nỗ lực đối phó với hành động xâm lược, đập gẫy “gọng kìm” chủ yếu của nhà Tống ở phía Bắc.

Thứ hai, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết dân tộc, động viên tù trưởng các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc cùng tích cực chống ngoại xâm. Trước âm mưu của nhà Tống dụ dỗ, lôi kéo tù trưởng các dân tộc thiểu số ở phía Bắc nước ta, triều đình nhà Lý không hề xao động, luôn tin tưởng vào lòng trung thành, sự quy phục của các tù trưởng. Vua Lý vẫn để họ tiếp tục cai quản địa phương mình như trước, chấp nhận quyền lợi và địa vị của các tù trưởng, thậm chí còn phong chức tước lớn, phẩm trật cao. Nhiều tù trưởng có thế lực còn được vua Lý gả công chúa, hình thành sự giàng buộc, gắn kết gia đình hệ, v.v. Những việc làm đó có tác dụng rất lớn trong việc gìn giữ an ninh, bảo vệ lãnh thổ nơi biên cương. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống giặc Tống xâm lược lần thứ hai, nhà Lý đã huy động được hàng vạn quân là người dân tộc thiểu số tham gia cuộc kháng chiến giữ nước.

Thực tiễn đã chứng minh, thắng lợi của việc chủ động tiến công đánh sang Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu vào cuối năm 1075 và đầu năm 1076 của quân Đại Việt, cũng như trong cả cuộc chiến chống quân xâm lược Tống đều có sự liên kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa quân đội triều đình với quân địa phương của các tù trưởng, như: Tông Đản, Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mãn, Lưu Kỳ, Vi Thủ An, v.v. Các đội quân miền núi, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tù trưởng địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội quân xung kích, đánh phá các kho, trạm hậu cần, căn cứ xuất phát tiến công xâm lược của quân Tống ngay trên đất của chúng. Khi quân Tống đặt chân lên đất Đại Việt, các đạo quân này đã lợi dụng địa hình thiên hiểm, liên tiếp tiến hành các trận đánh ngăn chặn, tiêu hao lực lượng địch. Khi chúng vượt qua, thì tổ chức đánh úp phía sau, cắt đứt các đường tiếp tế của giặc. Nổi bật là, quân và dân các dân tộc thiểu số ở Lũng Châu, do phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, đánh ngăn chặn đạo quân xâm lược của Quách Quỳ ở các ải Quyết Lý, Giáp Khẩu (nay thuộc huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), gây cho giặc rất nhiều tổn thất. Ở mặt trận Quảng Nguyên, tù trưởng Hoàng Lục, người xã Lương Định (Trùng Khánh, Cao Bằng) chỉ huy quân và dân địa phương ngăn chặn địch ngay từ biên giới. Khi chúng vượt qua trận địa mai phục, tiến về Bắc Giang thì đội quân của Hoàng Lục vẫn tiếp tục đánh tiêu hao, tiêu diệt từ phía sau.

Thứ ba, huy động sức mạnh toàn dân lập phòng tuyến sông Như Nguyệt, bẻ gãy “gọng kìm” xâm lược chính của giặc. Ngay sau khi đưa đoàn quân chiến thắng từ đất Tống trở về, trên cơ sở những nguồn tin tình báo đáng tin cậy về tình hình địch và được sự giúp sức của nhân dân, Lý Thường Kiệt quyết định xây dựng một phòng tuyến ở bờ Nam sông Như Nguyệt để chặn đứng cuộc tiến công xâm lược của nhà Tống. Với mục tiêu biến nơi đây thành chiến trường diễn ra trận quyết chiến chiến lược, nên chỉ trong một thời gian ngắn, phòng tuyến sông Như Nguyệt đã sừng sững mọc lên. Đây không những là một công trình quân sự lớn của quân và dân ta trong thế kỷ XI, mà còn thể hiện tài thao lược xuất sắc của Lý Thường Kiệt khi lựa chọn khu vực này để tập trung diệt địch và khả năng huy động sức mạnh của toàn dân vào công cuộc chống giặc ngoại xâm. Thực tiễn cho thấy, giá trị cũng như sự kiên cố, vững chắc của phòng tuyến sông Như Nguyệt được tạo bởi sự kết hợp tài tình giữa địa hình tự nhiên lợi hại với những chiến lũy, bãi chướng ngại vật, hầm chông và tư tưởng phòng thủ tích cực của Thái úy Lý Thường Kiệt trong tổ chức, bố trí đội hình và sử dụng lực lượng quân đội hợp lý, phát huy được sở trường, thế mạnh của từng lực lượng. Do đó, suốt cả quá trình tác chiến, ta luôn giữ vững và phát huy hiệu quả thế trận vừa ngăn chặn địch trên diện rộng, phòng bị chiều sâu, có trọng điểm; vừa phối hợp chặt chẽ giữa quân đội chủ lực của triều đình với lực lượng dân binh, hương binh, thổ binh của các địa phương đánh địch cả trước mặt, sau lưng, bên sườn, từng bước đẩy địch vào thế bị động, túng quẫn, hoang mang cực độ về tinh thần.

Với tuyến phòng thủ vững chắc, quân và dân nhà Lý đã chặn đứng bước tiến quân của nhà Tống, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, buộc chúng phải sa lầy vào thế trận “thiên la, địa võng” của ta. Đồng thời, tập trung mọi khả năng giam hãm quân địch trong một không gian nhất định, biến thời gian thành lực lượng, khoét sâu vào những khó khăn, nhược điểm của đội quân xâm lược, tạo và nắm chắc thời cơ tiến hành đòn phản công quyết định, đánh vào tinh thần kiệt quệ của giặc. Tháng 3-1077, “gọng kìm” chính của quân Tống trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt bị bẻ gãy, quân giặc vội vàng rút chạy về nước, dẫm đạp lên nhau để thoát thân. Sau thất bại lần đầu của nhà Tống, âm mưu tiến công xâm lược Đại Việt bằng “hai gọng kìm” của các thế lực phong kiến hiếu chiến phương Bắc vẫn tiếp diễn, nhưng đều thất bại.

Đại tá, TS. NGUYỄN THẾ MAU, Phó Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương, Học Viện Quốc phòng
________________

1 - Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược, Nxb Văn học, H. 2012, tr. 109.

2 - Viện Sử học, Ủy ban xã hội khoa học Việt Nam - Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 6-1981, tr. 38.