Đường lối đấu tranh giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập, tự do những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

8/30/2019 7:49:09 AM

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập đã phải đối phó với vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, nhân dân Việt Nam vừa giữ vững được chính quyền cách mạng, vừa bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của đất nước.

Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân, đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với những quyền dân tộc cơ bản của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đây là thành quả của tinh thần quật cường, khao khát tự do, độc lập; sự nỗ lực phi thường của một dân tộc anh hùng không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào, dù chúng có mạnh đến đâu chăng nữa. Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, chính quyền Cách mạng Việt Nam phải đối phó với một tình thế hết sức hiểm nghèo, bởi sự hoành hành của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm1 đang trực tiếp đe dọa sự tồn vong của dân tộc và nền độc lập nước nhà. Trong khi đó, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở mới thành lập còn chưa được hoàn thiện trên phạm vi cả nước. Quân đội thường trực đang trong quá trình xây dựng, trình độ tác chiến còn nhiều hạn chế, vũ khí, trang bị thô sơ và thiếu thốn (chủ yếu là giáo mác, dao găm, mã tấu và một số súng trường, súng máy). Nguy hiểm hơn là chỉ sau 03 tuần Ngày Lễ Độc lập của dân tộc, quân Pháp đã trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Điều đó cho thấy, lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền đã khó, giữ vững chính quyền cách mạng và bảo vệ nền độc lập của đất nước trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” đối với Đảng ta càng trở nên khó khăn gấp bội.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình thế giới, khu vực, nhất là những nguy cơ, thách thức lớn trong nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời hoạch định đường lối chính trị đúng đắn, giữ vững nguyên tắc chiến lược và linh hoạt trong sách lược, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của đất nước trong những năm đầu mới thành lập. Thành công đó của Đảng đã khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường lối cách mạng một cách xuất sắc, nổi bật một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả bộ máy chính quyền nhà nước dân chủ từ Trung ương đến địa phương. Để giữ vững và phát huy thành quả cách mạng vừa giành được, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng ta xác định là: xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân từ Trung ương đến địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình của đất nước. Bởi lẽ, hệ thống chính quyền mạnh không chỉ có khả năng tự bảo vệ mình và khẳng định sự hiện diện của một chính thể quốc gia độc lập, mà còn là cầu nối thực thi thắng lợi đường lối chính trị của Đảng. Theo đó, ngay sau khi trở về Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đã cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng tiếp quản, tiến hành đổi mới một số bộ phận chủ chốt trong bộ máy chính quyền, điều chỉnh chức năng các ban, ngành chuyển sang phục vụ chính quyền mới. Đặc biệt, ngày 03-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh 41/SL về việc bãi bỏ tất cả cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương, sáp nhập vào các bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở các địa phương, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thay vào đó là Ủy ban nhân dân cách mạng. Tiếp đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, trong đó xác định nhiệm vụ hàng đầu, bao trùm nhất của cách mạng lúc đó là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, đề ra phương hướng lãnh đạo đẩy nhanh việc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức, xây dựng hệ thống chính quyền hợp pháp từ Trung ương đến địa phương.

Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, một mặt, Trung ương Đảng chủ trương đưa Đảng vào hoạt động bí mật, tránh sự tập trung công kích của kẻ thù, mặt khác, lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và Chính phủ lâm thời kiên quyết bác bỏ các yêu cầu phi lý của Việt Quốc, Việt Cách; kiên trì, khôn khéo, nhân nhượng trong thương lượng, tạo sự ổn định để tiến hành thành công cuộc Tổng tuyển cử (ngày 06-01-1946), bầu ra những đại biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân khắp ba miền, tham gia Quốc hội. Sự ra đời của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là một thắng lợi lớn của đường lối củng cố chính quyền cách mạng của Đảng, tạo cơ sở pháp lý về quyền lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kết quả đó đã giáng một đòn mạnh vào âm mưu chia rẽ, lật đổ và xâm lược của các thế lực đế quốc, tay sai. Từ đây, một Chính phủ chính thức - cơ quan hành pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội quyết nghị thành lập với tên gọi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Đến tháng 11-1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội biểu quyết tán thành Chính phủ mới, gồm 14 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong thời gian ngắn, sau ngày Tổng tuyển cử, hầu hết các địa phương thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ đều tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh và xã. Đến cuối năm 1946, các địa phương đã thành lập Ủy ban hành chính các cấp thay cho ủy ban nhân dân lâm thời. Như vậy, hệ thống bộ máy Nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp) từ Trung ương đến địa phương đã từng bước hoàn thiện, với đầy đủ uy tín, hiệu lực pháp lý trong thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại, quản lý, điều hành mọi hoạt động của đất nước.

Cùng với đó, để bảo đảm tính đồng bộ về sức mạnh của Nhà nước, Đảng chủ trương tiếp tục mở rộng Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm thu hút tổ chức đại diện cho các giai tầng xã hội, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Đồng thời, sửa đổi điều lệ các đoàn thể cứu quốc cho phù hợp với tình hình mới; tổ chức thêm một số đoàn thể và vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào ủng hộ chế độ mới, chủ động đấu tranh kiên quyết chống các thế lực phản động, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh - công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, giữ vững chính quyền, bảo vệ Tổ quốc. Trước sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài, Đảng đã đề ra đường lối vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang từ lực lượng chính trị của quần chúng, khẩn trương xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ mạnh, thực sự trở thành lực lượng chính trị trung thành của Đảng, công cụ bạo lực sắc bén bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Thực hiện chủ trương đó, khắp nơi trên đất nước ta, phong trào luyện tập quân sự, tìm sắm vũ khí diễn ra sôi nổi. Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, những chi đội giải phóng quân lần lượt ra đời, đến cuối năm 1945 đã phát triển lên 40 chi đội với 50.000 người. Tháng 9-1945, Bộ Tổng Tham mưu và ngành Quân giới được thành lập. Tháng 11-1945, Quân giải phóng Việt Nam được đổi thành Vệ quốc đoàn (đội quân chính quy của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), sau đó phát triển thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Tháng 12-1945, Ủy ban Kháng chiến miền Nam ra đời, trực tiếp chỉ đạo quân và dân miền Nam kháng chiến, chống âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp. Đặc biệt, để giúp Trung ương Đảng lãnh đạo công tác quân sự, tháng 01-1946, Trung ương Quân ủy được thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư. Đến cuối năm 1946, bộ đội tập trung tăng lên hơn 80.000 người, trong đó có 8.000 đảng viên, lực lượng bán vũ trang phát triển gần 01 triệu người2.

Cùng với xây dựng lực lượng quân đội, lực lượng công an nhân dân được xây dựng và củng cố. Với việc thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của Sở Liêm phóng Bắc Bộ, các đội danh dự trừ gian, Ban trinh sát diệt ác đã kịp thời ngăn chặn, trừng trị các phần tử phản cách mạng, ra mặt chống đối chính quyền nhân dân. Ở Trung Bộ thành lập các sở Trinh sát, ở Nam Bộ là Quốc gia tự vệ cuộc3. Ngày 21-02-1946, Việt Nam Công an vụ được thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến an toàn quốc gia, đề xuất thực thi những biện pháp để đề phòng và bảo đảm an ninh trong nước. Ngày 08-4-1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 131/BNV, quy định cơ cấu, tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ của Công an vụ. Bên cạnh lực lượng công an, Ban Trinh sát Trung ương được tăng cường củng cố có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố; Ban Thanh tra đặc biệt và hệ thống tổ chức của Tòa án cũng lần lượt được thành lập, hoàn thiện. Đây là những tổ chức, công cụ quan trọng bảo đảm cho quá trình hoạt động của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực thi chế độ dân chủ rộng rãi và sẵn sàng trấn áp các phần tử phản cách mạng. Thành tích lớn nhất của lực lượng công an thời gian này là phá vụ án phố Ôn Như Hầu, đập tan âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân của lực lượng phản động Việt Quốc, Việt Cách (7-1946).

Ba là, thực hiện tốt chủ trương về công tác đối ngoại. Lê–nin chỉ rõ: nếu có lợi cho cách mạng thì dù phải thỏa hiệp với kẻ thù, chúng ta cũng phải thỏa hiệp. Thấu triệt quan điểm đó. Đảng đã bình tĩnh đánh giá chính xác tình hình, nhận định đúng âm mưu, thủ đoạn của từng đối tượng, từng kẻ thù, đề ra đối sách phù hợp, nhằm “Cố gắng đạt được thỏa hiệp để cứu chính quyền nhân dân khỏi bị tiêu diệt, tranh thủ được thời gian để tập hợp được lực lượng và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu quyết liệt chống bọn thực dân”4. Theo đó, đối với Quân đội Trung Hoa dân quốc, dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào miền Bắc Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật, nhưng lại không giấu giếm ý định “Diệt Cộng, cầm Hồ”, Đảng đã chủ trương giao thiệp “Hoa - Việt thân thiện”, tránh xung đột, hòa hoãn với chính quyền Trung Hoa dân quốc, nhân nhượng nhiều yêu sách về chính trị và kinh tế đối với đội quân Trung Hoa dân quốc và thế lực tay sai của chúng. Tuy nhiên, khi bản “Hiệp ước Pháp - Hoa” được ký kết, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm thời cơ, chuyển hóa linh hoạt sang thực hiện đường lối “hòa với Pháp” để mau chóng “đuổi” gần 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc về nước, tránh được hiểm họa cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù.

Đối với thực dân Pháp, Đảng ta xác định, đây là kẻ thù chủ yếu của dân tộc, nên ngay từ khi chúng theo chân quân Anh vào miền Nam, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đã tích cực chiến đấu, kiên quyết ngăn chặn các đợt tiến công mở rộng vùng lấn chiếm của địch. Tuy nhiên, để tránh một cuộc chiến tranh nổ ra sớm trong bối cảnh chính quyền cách mạng vẫn còn đang trong giai đoạn “trứng nước”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ký Hiệp định sơ bộ (06-3-1946) và bản Tạm ước (14-9-1946) với Pháp. Các văn bản đó đã buộc thực dân Pháp, dù muốn nhanh chóng thực hiện ý định mở rộng xung đột ra miền Bắc, nhưng phải mất hơn 09 tháng sau (đến cuối tháng 12-1946), chúng mới tìm cách làm bùng nổ cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước. Đây cũng là khoảng thời gian Đảng ta đã thành công trong chỉ đạo vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, phá kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, đẩy địch sa lầy ở chiến trường miền Nam, tạo điều kiện thời gian xây dựng lực lượng căn bản chuẩn bị cho kháng chiến. Không dừng lại ở đó, từ tháng 9-1945 đến tháng 02-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện, công hàm cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, những quốc gia và cá nhân giữ trọng trách của Liên hợp quốc, kêu gọi sự ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam.

Như vậy, những năm đầu thành lập nước, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khôn khéo, sáng suốt đưa ra nhiều phương lược, sách lược để xây dựng chính quyền, củng cố lực lượng, hòa hoãn với kẻ thù,... kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vì thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam không những giữ vững được chính quyền cách mạng non trẻ, mà còn tạo được sức mạnh căn bản, ban đầu để chủ động bước vào kháng chiến toàn quốc.

TS. NGUYỄN BÌNH*

ThS. PHẠM THỊ THU TRANG**
______________

* Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

** Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang.

1 - Vào thời điểm này, có hơn 30 vạn quân các nước Anh, Pháp, Trung Hoa Dân quốc, Nhật và nhiều đảng phái, tổ chức phản động, như: Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Đông Dương tự trị, Đại Việt quốc dân Đảng, v,v.

2 - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng - Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập I (1930- 1954), quyển 2 (1945- 1954), Nxb. CTQG, H. 2018, tr. 116.

3 - Sau thống nhất thành Việt Nam Công an vụ trong toàn quốc.

4 - F.Cô-bê-lép -  Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - Hành chính, H. 2010, tr. 404.