Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972, mốc son của nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân Việt Nam

12/27/2021 8:10:43 AM

Tháng 12 năm 1972, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ xuống Hà Nội, Hải Phòng,… làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972 do nhiều yếu tố hợp thành; trong đó, nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là nét nổi bật.

Để tìm lối thoát trong danh dự khi Chiến dịch Linebecker I không được như mong muốn, ngày 22/10/1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng dứt ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đằng sau quyết định này là những mưu toan chính trị của Nixon trước thềm bầu cử tổng thống cũng như toan tính của Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Nếu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chấp nhận những điều kiện phía Mỹ đưa ra trong đàm phán để đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thì Mỹ sẽ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam với quy mô lớn hơn, rộng hơn. Để thực hiện mưu đồ này, Không quân Mỹ lên kế hoạch cụ thể cho cuộc tấn công các mục tiêu chiến lược ở miền Bắc với sức mạnh hủy diệt. Sau khi cuộc đàm phán bốn bên tại Paris bế tắc do ta và Mỹ không thống nhất được một số điểm then chốt, Tổng thống Nixon gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và gia hạn trong 72 tiếng đồng hồ, Bắc Việt Nam phải “nghiêm túc” đàm phán trở lại để tránh một cuộc ném bom lớn. Khi ta không chấp thuận, Nixon đã quyết định sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lân cận vào đêm 18/12/1972.

Về phía ta, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua…”1. Thấm nhuần lời căn dặn của Người và trên cơ sở chủ động nghiên cứu, đánh giá, kết luận đúng tình hình, nắm vững âm mưu đánh phá miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân cùng quân và dân miền Bắc làm công tác chuẩn bị về mọi mặt; trong đó, tập trung vào xây dựng phương án tác chiến, chuẩn bị lực lượng và thế trận, công tác bảo đảm các mặt và cách đánh của bộ đội phòng không, không quân. Nhờ đó, sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, quân, dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Không lực Hoa Kỳ, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước. Đây là thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược; biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo trên mặt trận đất đối không của Đảng. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học quý về phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là sức mạnh chính trị - tinh thần, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về nghiên cứu, dự báo đúng âm mưu thủ đoạn của kẻ thù;… bài học về nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân với nhiều nét đặc sắc, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 - nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không Việt Nam độc đáo, sáng tạo

Nắm chắc tình hình chiến trường và diễn biến đàm phán giữa ta với Mỹ,  Đảng ta nhận định: Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, quy mô lớn hơn, nhiều khả năng chúng sẽ sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và một số thành phố lớn. Vì thế, ngay từ tháng 7/1972, Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân gấp rút nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến, biên soạn tài liệu cách đánh B-52, làm cơ sở để huấn luyện bộ đội. Chỉ đạo quân và dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kiện toàn các đơn vị dân quân, tự vệ, hình thành các tổ, đội bắn máy bay bay thấp rộng khắp và hiểm hóc. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, tư lệnh các binh chủng ra đa, tên lửa, không quân và Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương án bảo vệ Thủ đô. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo toàn quân nghiên cứu thật kỹ, nắm chắc quy luật hoạt động của không quân địch, nhất là tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B-52. Cục Tình báo, Viện Kỹ thuật Quân sự, Cục Quân lực, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc phối hợp với chuyên gia Liên Xô khai thác, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến máy bay B-52, giải quyết các vấn đề trinh sát kỹ thuật vô tuyến, thông tin liên lạc,… phục vụ chiến đấu.

Chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân sớm hoàn thành Bản kế hoạch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ. Công tác chuẩn bị tác chiến được Quân chủng triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc. Việc tổ chức hội nghị bàn cách đánh máy bay B-52, điều chỉnh lực lượng, triển khai sở chỉ huy các cấp, biên soạn tài liệu, nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị, khí tài thế hệ cũ,… được tiến hành theo đúng kế hoạch. Khi phương án tác chiến và tài liệu “Cách đánh B-52” được hoàn chỉnh, các đơn vị tên lửa, ra đa, pháo phòng không 100 mm gấp rút mở đợt huấn luyện đột kích với nội dung chủ yếu là đánh máy bay B-52. Cùng với đó, bộ đội Không quân cũng tích cực luyện tập phương án đánh máy bay B-52 trên năm hướng vào Hà Nội - “Phương án năm cánh sao”, với quyết tâm đánh bại các đợt tiến công bằng đường không của địch. Ngoài ra, các phương án, tài liệu đánh máy bay B-52 còn được phổ biến rộng rãi đến các đơn vị phòng không của Hà Nội, Hải Phòng và các các địa phương; đặc biệt, tài liệu “Cách đánh B-52” được ví như cuốn “cẩm nang đỏ” của lực lượng phòng không, không quân. Bởi nó được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu của các trung đoàn tên lửa ở chiến trường miền Trung, Nam Lào, Bình Trị Thiên, v.v. Cách đánh đó, không chỉ vạch ra các phương án chống nhiễu, hướng dẫn cách phát hiện mục tiêu trên nền nhiễu, mà còn phổ biến cách phòng tránh tên lửa không đối đất - Sơ rai của địch, v.v. Đây là vấn đề quan trọng, cốt yếu để bộ đội phòng không, không quân bắn rơi “pháo đài bay B-52” bằng tên lửa thông thường dựa trên nền chiến tranh nhân dân, khiến kẻ địch bàng hoàng, khiếp sợ. Nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không của Đảng còn được thể hiện khi ta chủ động triển khai xây dựng thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc, liên hoàn, linh hoạt, rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có, đảm bảo đánh địch từ nhiều tầng, nhiều hướng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bom đạn của không quân Mỹ gây ra.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, quân, dân miền Bắc, đặc biệt là lực lượng phòng không, không quân đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của địch, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, càng khẳng định, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân đất đối không Việt Nam tài tình, sáng tạo của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu.

2. Nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân

Đối đầu với không quân Mỹ - lực lượng không quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận phòng không khoa học, vững chắc. Thế trận đó phải bảo đảm rộng khắp, hiểm hóc và linh hoạt; phát huy được sức mạnh của lực lượng trên không với mặt đất, vòng trong với vòng ngoài, tuyến trước với tuyến sau, tầng trên với tầng dưới; kết hợp với cách đánh sáng tạo, linh hoạt làm cho chúng hoàn toàn bị bất ngờ. Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân miền Bắc xây dựng, hình thành các cụm lực lượng, như: cụm phòng không Hà Nội, cụm phòng không Hải Phòng và cụm phòng không phía Bắc Đường 1, Thái Nguyên. Ba cụm phòng không này tạo thành thế “thiên la địa võng” làm cho không quân Hoa Kỳ đã vào sẽ “khó ra”, đã đến là nếm mùi thất bại. Trong xây dựng thế trận ở khu vực trung tâm Hà Nội - mục tiêu không thể bị phá hủy, ta còn táo bạo xây dựng thế trận “hỏa khí tập trung, hỏa lực tập trung” - nghệ thuật tác chiến phòng không riêng có của Việt Nam, nhằm tiêu diệt thật nhiều máy bay B-52, đối tượng chủ yếu để kết thúc thắng lợi Chiến dịch. Quá trình tác chiến, địch còn chuyển hướng đánh ra các vùng lân cận, hòng kéo lực lượng tên lửa ta ra vòng ngoài để tập trung lực lượng đánh hủy diệt trung tâm đầu não. Tương kế, tựu kế, ta chủ động, linh hoạt chuyển hóa thế trận, thực hiện đánh rộng khắp với đánh tập trung có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng không chủ lực với phòng không địa phương và dân quân tự vệ, tạo lưới lửa dày đặc bủa vây quân thù. Đặc biệt, việc ta bí mật điều hai tiểu đoàn tên lửa phòng không 71, 72 của cụm phòng không Hải Phòng về hỗ trợ bảo vệ vòng ngoài Hà Nội đã khiến địch không kịp trở tay, bị động đối phó và thất bại.

Cùng với hoạt động tác chiến của lực lượng phòng không, lực lượng không quân ta chủ động luyện tập các bài đánh máy bay B-52 cả ban ngày và ban đêm; đồng thời, bí mật xây dựng các sân bay dã chiến ở vòng ngoài; sử dụng các phương tiện thô sơ giúp máy bay cất, hạ cánh trong điều kiện đêm tối và sân bay bị địch đánh phá. Đồng thời, khắc phục hạn chế về kỹ thuật chống nhiễu bằng biện pháp chiến thuật: tắt, mở ăng ten; thay đổi tần số máy phát; nâng, hạ cao thế máy phát rãnh mục tiêu,… - “vạch nhiễu, tìm thù” dẫn đường cho máy bay MiG-21 “chọc thủng” hàng rào máy bay F4 bảo vệ dày đặc; “gạt Sơ rai” - tên lửa không đối đất, bảo vệ khí tài, tiếp tục điều khiển tên lửa tiêu diệt “pháo đài bay B-52”. Nhờ đó, Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 ta không những bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực mục tiêu trọng yếu, mà còn bắn rơi nhiều máy bay địch, trong đó có nhiều “pháo đài bay B-52” - tổn thất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của Mỹ, buộc chúng kết thúc vô điều kiện chiến dịch Linerbecker II, chấp nhận ngồi vào bàn đám phán.

Chiến dịch Phòng không tháng 12/1972 kết thúc thắng lợi lập thêm một chiến công oanh liệt - “Điện Biên Phủ trên không” trong lịch sử chống ngoại xâm trên mảnh đất nghìn năm văn hiến: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đó cũng là mốc son chói lọi, biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam; thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trên mặt trận đất đối không. Chiến thắng Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không” là bài học quý cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. TRẦN ANH TUẤN, Học viện Quốc phòng
_____________________

1 - Hồ Chí Minh – Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 203.