Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Về vấn đề giáo dục và đào tạo

9/3/2020 10:36:43 AM

Vấn đề giáo dục và đào tạo luôn được Đảng ta đánh giá cao, coi đó là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Dự thảo) tiếp tục nhấn mạnh vai trò của giáo dục và đào tạo và nội dung này có nhiều điểm mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được Dự thảo trình bày cô đọng, thực chất, phản ánh khách quan cả thành tựu và hạn chế của công tác giáo dục, đào tạo trong nhiệm kỳ qua; đồng thời, có sự thống nhất về đánh giá trong các Dự thảo văn kiện. Đặc biệt, đánh giá tổng quát hạn chế về công tác giáo dục và đào tạo đã được thẳng thắn chỉ ra: “Đổi mới giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển”1. Đây là điểm quan trọng để nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn cả mặt ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm của lĩnh vực giáo dục và đào tạo, làm cơ sở xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong Dự thảo phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục và đào tạo được trình bày toàn diện, đồng bộ tại Mục V - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Từ tên tiêu đề đến nội dung đều có những điểm mới rất quan trọng. Đáng chú ý là, lần đầu tiên trong Văn kiện, Đảng đồng thời đưa sứ mạng “phát triển con người” cùng với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của giáo dục và đào tạo. Đây là điểm mới so với Nghị quyết Đại hội XII: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”2. Vấn đề này có nhiều ý kiến tranh luận, cho rằng không nhất thiết phải đưa vào tiêu đề cụm từ “phát triển con người”. Song, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định sự bổ sung này là cần thiết, phù hợp, khoa học; thể hiện sự nhất quán, kế thừa, phát triển quan điểm của nhiệm kỳ trước và đặc biệt là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đại hội XII xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”3. Theo tinh thần đó, một trong những sứ mạng của giáo dục và đào tạo là phát triển nguồn nhân lực và tinh thần đó tiếp tục được Dự thảo khẳng định. Vấn đề con người luôn gắn với nhiều lĩnh vực. Bởi suy cho cùng, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Hơn thế, con người là vốn quý nhất và mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Có hai lĩnh vực then chốt để phát triển con người là giáo dục và văn hóa. Vì vậy, sứ mạng trước hết, trên hết và cao quý nhất của giáo dục là phát triển con người. Đây là sự nhất quán về phát triển, hoàn thiện triết lý giáo dục “Dạy người, dạy chữ, dạy nghề”, quan điểm chỉ đạo về giáo dục và đào tạo đã khẳng định trong các văn kiện Đảng trước đây. Thực tiễn cho thấy, từ những hạn chế, yếu kém về phát triển con người dẫn đến các hạn chế, yếu kém trên nhiều lĩnh vực khác trong nhiệm kỳ qua đều liên quan trực tiếp đến chất lượng, kết quả giáo dục và đào tạo. “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là sứ mạng của giáo dục và đào tạo những năm tiếp theo nhằm thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển như các dự thảo báo cáo đã xác định. Khi đó, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ mới thực sự là “động lực then chốt để phát triển đất nước”4. Trên tinh thần đó, phương hướng, nhiệm vụ bao trùm được Dự thảo xác định là: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”5. Đây là điểm mới, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa quan điểm về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo trong thực tiễn, giải quyết “điểm nghẽn” của nhiều năm qua.

Vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục được khẳng định và bổ sung, phát triển. Dự thảo văn kiện nhấn mạnh trước hết cần tập trung đổi mới đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục và đào tạo là mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp. Phương hướng đổi mới các yếu tố đó đã có sự phát triển mới, vừa nhất quán với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, vừa đáp ứng đòi hỏi và sự vận động của thực tiễn như Dự thảo xác định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Những định hướng lớn về phát triển toàn diện con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mà giáo dục và đào tạo phải tập trung hướng đến cũng được xác định cụ thể. Trong đó nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6. Xác định như vậy đã định hình rõ hình mẫu con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới, là định hướng căn bản cho quá trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Điểm này cũng nhất quán với các thành tố quan trọng được xác định trong chủ đề Đại hội: “phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo,…”.

Vấn đề gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới được Dự thảo xác định và nhấn mạnh rõ hơn. Đặc biệt, tư duy xóa bỏ bao cấp, chọn khâu đột phá được thể hiện rõ nét thông qua chủ trương “hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động có hiệu quả trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”7. Đây là vấn đề mới, hoàn toàn phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới và điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của nước ta. Hình thái, mô hình tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đó sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập, nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; làm cho giáo dục và đào tạo gắn kết hiệu quả với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, thị trường trong nước và ngoài nước.

Vấn đề hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo được bổ sung, phát triển là một trong những điểm mới nổi bật. Nhất quán quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, Dự thảo xác định: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo”8. Vấn đề này được xem xét trong mối quan hệ với hội nhập của quốc gia ở bình diện khu vực và thế giới. Nghị quyết Đại hội XII xác định “phấn đấu đến 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”9; Dự thảo xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt nhịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”10. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm, khát vọng phát triển giáo dục và đào tạo trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chủ động và có bước đi phù hợp tham gia thị trường giáo dục và đào tạo thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề giáo dục và đào tạo trong Dự thảo các văn kiện, đặc biệt là trong Dự thảo Báo cáo Chính trị cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi, bổ sung. Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần nghiên cứu, đánh giá rõ vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nghị quyết Đại hội XII xác định chủ trương lớn là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; thực tế năm năm qua vấn đề này luôn nóng và khó, nảy sinh nhiều phức tạp, thậm chí là tiêu cực. Mối quan hệ giữa quản lý của Nhà nước, điều tiết của thị trường, giám sát của xã hội và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo cần được tổng kết, xem xét thấu đáo và đánh giá sâu hơn vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, cùng với chủ trương, giải pháp “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đã xác định, đề nghị bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực. Đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung, đặt vấn đề “Xây dựng môi trường văn hóa giáo dục” thay cho cụm từ “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh,…”. Đặt vấn đề xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh là đúng nhưng chưa đủ. Giáo dục và đào tạo với sứ mạng phát triển toàn diện con người thì phải hình thành cho được văn hóa giáo dục trong xã hội và môi trường văn hóa giáo dục trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Mặt khác, điều chỉnh như vậy cũng phù hợp với vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam được xác định tại Mục VII trong Dự thảo Báo cáo Chính trị. Văn hóa giáo dục là vấn đề lớn, cần được đưa vào Văn kiện của Đảng nhằm làm cơ sở, định hướng cho quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị
_________________  

1 - ĐCSVN – Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 4/2020, tr. 14.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 113.

3 - Sđd, tr. 114.

4 - ĐCSVN – Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 4/2020, tr. 40.

5 - Sđd, tr. 40.

6 - Sđd, tr. 40.

7 - Sđd, tr. 41.

8 - Sđd, tr. 41.

9 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 115.

10 - ĐCSVN – Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, tháng 4/2020, tr. 41.