Nguy cơ tái bùng phát xung đột tại Kosovo

10/13/2022 9:30:18 AM

Cuộc xung đột tại Kosovo (1998 - 1999) đã lắng dịu hơn 20 năm, nhưng hiện đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau khi nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti triển khai một số chính sách được cho là bất lợi đối với cộng đồng người Serbia đang sinh sống tại đây và phía Cộng hòa Serbia cũng có những động thái đáp trả nhằm bảo vệ cộng đồng này. Vậy, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này và diễn biến tiếp theo của nó ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Ngược dòng lịch sử

Nếu chỉ với diện tích hơn 10.000 km2 và khoảng 1,9 triệu dân, chắc chắn Kosovo sẽ không gây được sự chú ý đối với các cường quốc. Tuy nhiên, vùng đất này nằm ở trung tâm bán đảo Balkan - vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực Địa Trung Hải, Biển Đen, Caucasus và Biển Caspi, nên hai thập kỷ qua, nơi đây luôn phải hứng chịu sóng gió, trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh. Năm 1991, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã thì Liên bang Nam Tư (gồm 6 nước cộng hòa: Bosnia - Herzegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia) cũng dần bị chia tách thành các quốc gia độc lập. Chủ nghĩa dân tộc một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ tại nước Cộng hòa Liên bang này và trở thành lực lượng chủ yếu chi phối khu vực Balkan. Đầu tiên là Slovenia, Croatia (năm 1991), rồi tiếp theo đến Macedonia và Bosnia - Herzegovina (năm 1992) ly khai, lúc này Liên bang Nam Tư chỉ còn lại Montenegro và Serbia. Tháng 02/1998, cuộc nội chiến tại Nam Tư bùng phát do Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) phát động phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Kosovo - mảnh đất bị Tổng thống Liên bang Nam Tư Slobodan Milosevic bãi bỏ quyền tự trị vào năm 1989. Để thực hiện mục tiêu ly khai và thành lập một nhà nước với đa số người Albania theo đạo Hồi, KLA tiến hành nhiều cuộc tấn công vào đồn cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật ở Kosovo. Cuộc giao tranh gay gắt diễn ra giữa KLA và Quân đội Liên bang Nam Tư đã khiến hàng chục nghìn người thương vong, hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Những căng thẳng tại Kosovo (1998 - 1999) đã trở thành cái cớ để Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào Liên bang Nam Tư. Nếu như trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” ở Iraq năm 1991, vai trò của Liên hợp quốc còn được thể hiện, thì trong cuộc chiến tại Nam Tư, vai trò của tổ chức này không được nhắc đến; Mỹ và NATO tự đứng ra đảm nhiệm chức năng vừa là quan tòa, vừa là cơ quan thi hành án. Với việc ngang nhiên mở cuộc tấn công vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền như Liên bang Nam Tư, Mỹ và NATO đã chính thức phát đi thông điệp, họ có quyền áp đặt những quan điểm riêng bằng sức mạnh quân sự và không phải thông qua các sáng kiến chính trị. Lấy lý do quân đội Liên bang Nam Tư tổ chức chiến dịch Thanh trừng sắc tộc tại Kosovo, tháng 3/1999, NATO tiến hành chiến dịch ném bom quy mô lớn buộc quân đội Liên bang Nam Tư phải rút khỏi Kosovo. Theo một số thống kê, trong thời gian gần ba tháng, NATO thực hiện khoảng 38.000 vụ không kích với hơn 1.000 lượt máy bay chiến đấu chủ yếu xuất phát từ các căn cứ quân sự ở Italy và tàu sân bay tại Địa Trung Hải, kết hợp với tên lửa hành trình được bắn từ các tàu ngầm và tàu chiến. Trong chiến dịch này, các nước thành viên của NATO đều tham chiến, kể cả Hy Lạp - quốc gia luôn thể hiện quan điểm phản đối chiến tranh. Riêng Đức, đây là lần đầu tiên không quân nước nay tham chiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Đối chọi với lực lượng hùng hậu của NATO, Liên bang Nam Tư đã huy động khoảng 90.000 binh sĩ cùng với nhiều phương tiện chiến tranh. Trước sức mạnh quân sự như vũ bão của NATO, tháng 6/1999, Nam Tư buộc phải chấp nhận đặt Kosovo dưới sự quản lý của Liên hợp quốc, trực tiếp là lực lượng gìn giữ hòa bình NATO (KFOR) được ủy quyền theo Nghị quyết số 1244, ngày 10/6/1999 của Liên hợp quốc. Nghị quyết số 1244 quy định, Kosovo có quyền tự trị, nhưng cũng khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nam Tư mà kế thừa hợp pháp là Cộng hòa Serbia. Cuộc chiến tại Kosovo coi như kết thúc, tuy nhiên nước chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là Liên bang Nam Tư, mà cụ thể hơn là người dân Kosovo.

Theo các chuyên gia nghiên cứu quân sự, cuộc chiến tại Kosovo diễn ra khi Liên bang Xô Viết đã tan rã, đối trọng của NATO là khối Warszawa không còn, lúc đó Mỹ là siêu cường duy nhất, nên nước này đã tự ý đưa ra chiến lược mới nhằm thực hiện mưu đồ thâu tóm thế giới, biến thế kỷ XXI là “Thế kỷ Mỹ” - “Kỷ nguyên hòa bình Mỹ”. Với chiến lược “Vượt trên ngăn chặn”, “Vượt lên hòa bình”, Tổng thống Mỹ George Bush thực hiện mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại những quốc gia vốn là đồng minh của Liên Xô trước đây, cuộc chiến tại Iraq hay kế hoạch làm tan rã Nam Tư chính là một phần toan tính của Washington. Không còn đối trọng Liên Xô, trong khi Nga vẫn chưa đủ mạnh, nên mục tiêu của Mỹ tại Balkan nhanh chóng đạt được. Cuộc chiến tại Kosovo diễn ra gay gắt cùng nguy cơ xung đột kéo dài đã tạo thành áp lực khổng lồ khiến các nhà lãnh đạo Montenegro tìm cách thoát khỏi những mâu thuẫn liên quan tới người Serbia và người Albania tại Kosovo. Theo đó, năm 2006, Montenegro đã quyết định trở thành quốc gia độc lập thông qua cuộc trưng cầu dân ý. Năm 2008, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây, Kosovo đã đơn phương tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của Serbia.

Nguy cơ thùng thuốc súng phát nổ

Với sự hiện diện của KFOR, cuộc xung đột giữa Kosovo và Serbia tạm thời lắng dịu, tuy nhiên, những bất đồng giữa hai bên vẫn âm ỉ và có thể bùng cháy bất cứ lúc nào, bởi những mâu thuẫn sắc tộc giữa người Albania và người Serbia vốn bị khoét sâu do sự can thiệp của NATO. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa có thể thổi bùng xung đột là do Belgrade chưa từng từ bỏ ý định đưa Kosovo trở lại lãnh thổ Serbia, lập trường này của Serbia nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nga - quốc gia có nhiều mối quan hệ gắn bó lịch sử với Serbia nói riêng và bán đảo Balkan nói chung.

Sau khi Nga dần lấy lại vị thế trên trường quốc tế, mối quan hệ giữa Nga và Serbia càng thêm nồng ấm. Năm 2013, Serbia trở thành quan sát viên của Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) do Nga làm trụ cột. Năm 2016, Nga và Serbia ký thỏa thuận hỗ trợ hiện đại hóa lĩnh vực quân sự. Theo thỏa thuận, Nga sẽ hỗ trợ Serbia nâng cấp các kho vũ khí từ thời Liên bang Nam Tư, sửa chữa máy bay chiến đấu MiG-29, xe tăng T-72 và các phương tiện tuần tra do Nga và Belarus trao tặng. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, Nga còn tiết lộ khả năng thành lập căn cứ quân sự tại thành phố Nish của Serbia. Nếu điều này trở thành hiện thực, Nga không chỉ mở rộng hợp tác với Serbia ở lĩnh vực quân sự mà còn mở rộng hợp tác sang lĩnh vực chính trị và kinh tế, qua đó xây dựng bàn đạp mạnh tại khu vực Nam Âu, tạo lợi thế về chiến lược, khiến NATO phải dè chừng. Ở chiều ngược lại, Serbia cũng nhận được sự bảo hộ và giúp đỡ tương đối từ Nga, nhất là lĩnh vực quân sự.

Trong khi đó, để bảo vệ thành quả độc lập, bên cạnh sự quản lý của KFOR và phương Tây, Kosovo cũng đưa ra nhiều đối sách. Tháng 12/2018, Pristina tuyên bố thành lập quân đội riêng với lực lượng khoảng 5.000 binh sĩ tại ngũ, 3.000 quân dự bị, ngân sách bảo đảm cho việc huấn luyện và mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự khoảng 300 triệu Euro (340 triệu USD) trong 03 năm. Việc làm trên được xem là động thái đi ngược với những gì đã cam kết giữa Kosovo với cộng đồng quốc tế cũng như với Serbia. Theo Nghị quyết số 1244 của Liên hợp quốc, Kosovo chỉ được phép duy trì lực lượng an ninh khoảng 4.000 người, còn nhiệm vụ đảm bảo an ninh và hệ thống tư pháp do lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO (KFOR) đảm nhiệm. Đây là việc làm được cho là cần thiết của cộng đồng quốc tế đối với Kosovo nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 02/2022 vừa qua, Kosovo còn đề nghị Mỹ thiết lập căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ của mình, đồng thời thúc giục cường quốc này cùng các đồng minh chấp nhận nỗ lực gia nhập NATO của Kosovo. Mặc dù được Mỹ và các đồng minh hậu thuẫn, nhưng đến nay nhiều quốc gia trên thế giới, nổi bật là Nga, Trung Quốc và một số nước thành viên của Liên minh châu Âu như Tây Ban Nha, Slovakia, Romania, Cộng hòa Síp lại cho rằng: việc công nhận nền độc lập của Kosovo là vi phạm Nghị quyết số 1244 của Liên hợp quốc, coi nhẹ tính hợp pháp của đường biên giới đã được quốc tế công nhận. Ngoài ra, việc làm trên sẽ tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm cho hệ thống luật pháp quốc tế và có thể thổi bùng các cuộc xung đột sắc tộc, bởi Belgrade không chấp nhận Nhà nước Kosovo độc lập và cộng đồng thiểu số gốc Serbia tại Kosovo (khoảng 50.000 người) - lực lượng luôn nhận sự hỗ trợ tài chính cũng như các dịch vụ xã hội từ Chính phủ Serbia, thường xuyên đấu tranh để khu vực họ sinh sống được sáp nhập trở lại Serbia.

Nguy cơ có thể dẫn tới xung đột lần này bắt nguồn từ tuyên bố của nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti: kể từ ngày 01/8/2022, tất cả những giấy tờ tùy thân và biển số xe của người Serbia sinh sống tại Kosovo là không hợp lệ. Kosovo sẽ triển khai một chiến dịch áp đặt “luật lệ và công lý” tới tất cả những vùng lãnh thổ được Kosovo tuyên bố chủ quyền. Song, dưới áp lực của Mỹ và Liên minh châu Âu, Kosovo và Serbia đã đạt được thỏa thuận, theo đó, Belgrade đồng ý bỏ giấy tờ xuất nhập cảnh cho người Kosovo và Kosovo cũng có động thái tương tự khi lùi thời điểm chuyển đổi biển số xe cũng như các loại giấy tờ sang ngày 31/10/2022. Mặc dù vậy, những động thái trên vẫn gây ra cơn thịnh nộ trong cộng đồng người Serbia tại Kosovo. Cùng với đó, quân đội Serbia đã triển khai diễn tập gần ranh giới hành chính với Kosovo từ ngày 31/8/2022. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Nebojsa Stefanovic, cuộc tập trận được thực hiện nhằm mục đích duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao của các đơn vị, khả năng phản ứng nhanh trong trường hợp cần thiết và đảm bảo hòa bình, an ninh dọc theo tuyến hành chính ở Kosovo và Metohija. Ngoài ra, Tổng thống Aleksandar Vucic còn đưa ra tuyên bố cứng rắn thể hiện lập trường Belgrade, đó là: Serbia mong muốn hòa bình, nhưng sẽ không cho phép người dân Serbia bị áp bức. Ông cũng cho rằng, Kosovo đã từ chối tất cả những đề xuất mà Serbia đưa ra nhằm tìm giải pháp khôi phục sự hòa hợp, đồng thời cáo buộc Pristina muốn loại bỏ người Serbia khỏi lãnh thổ Kosovo.

Những căng thẳng trên khiến dư luận thế giới lo ngại rằng nền hòa bình tại Kosovo cũng như sự ổn định tại bán đảo Balkan khó có thể giữ vững. Nếu điều này xảy ra, các bên liên quan sẽ bị kéo vào cuộc và khi đó xung đột tại khu vực này có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh mới trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine chưa biết khi nào chấm dứt.

LÂM PHƯƠNG - SỸ TIỆP