“Mùa Xuân Mỹ Latinh” - nguyên nhân và những hệ lụy

7/30/2020 4:42:58 PM

 Biểu tình, bạo động bùng phát dữ dội ở hàng loạt quốc gia đẩy Tây Bán cầu vào “cơn địa chấn” chính trị tồi tệ chưa từng có, nhiều nhà phân tích quốc tế gọi đây là “Mùa Xuân Mỹ Latinh”. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và hệ lụy của nó ra sao là những vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm.

Năm 2019, khi mà Venezuela chìm trong khủng hoảng chính trị “tồi tệ” kéo dài thì hàng loạt quốc gia Mỹ Latinh khác, từ nước lớn, phát triển đến nước nhỏ, nghèo cũng phải đối mặt với tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội nghiêm trọng. Ở Paraguay, Peru và Chile, làn sóng biểu tình đã lan rộng khắp các địa phương trên cả nước. Nhiều nơi biểu tình đã biến thành bạo loạn, xung đột với cảnh sát vũ trang làm hàng trăm dân thường và cảnh sát thương vong. Ở Bolivia, các cuộc biểu tình đã buộc Tổng thống Evo Morales (người đã giữ chức Tổng thống ba nhiệm kỳ liên tiếp) phải tuyên bố từ chức. Tại Mỹ, làn sóng biểu tình, bạo loạn bùng phát dữ dội ở hơn 140 thành phố, được coi là làn sóng biểu tình lớn nhất trong mấy thập kỷ gần đây. Chính quyền nhiều bang đã phải ban bố lệnh giới nghiêm và huy động hàng chục nghìn cảnh sát vũ trang để đối phó với biểu tình, bạo động.

“Bóng đen” bất ổn chính trị, xã hội cũng đang bao trùm Brazil, Argentines, Honduras, El Salvador, Ecuador, Colombia và nhiều nước khác,… khiến cho chính phủ các nước này đang phải “đau đầu” giải quyết. Chính khách của nhiều nước cho rằng, Tây Bán Cầu đang trong “cơn địa chấn” chính trị tồi tệ chưa từng có và họ gọi đó là “Mùa Xuân Mỹ Latinh”.

Vì sao “Mùa Xuân Mỹ Latinh” nổ ra? Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, nhìn lại “Mùa Xuân A-rập” ở Trung Đông, Bắc Phi năm 2010; Phong trào “Áo Vàng” ở châu Âu năm 2018,… có thể thấy, làn sóng biểu tình, bạo loạn ở khu vực Mỹ Latinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, là hệ quả tất yếu của những bất đồng, mâu thuẫn gay gắt đã được tích tụ, dồn nén từ lâu trong nội tại các quốc gia khu vực này. Trong đó, nổi lên một số vấn đề là:

Người dân “bất mãn” với chính quyền bởi sự phân hóa giàu - nghèo, tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng. Là khu vực được coi là “Miền đất hứa” của thế giới, nhưng hầu hết các nước trong khu vực lại đang phải đối mặt với nhiều bất công, bất bình đẳng, trở thành những căn bệnh “trầm kha” gây phẫn nộ trong nhân dân. Các khảo sát quốc tế tiến hành ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh cho thấy “bức tranh kinh tế, xã hội” rất ảm đạm: thu nhập của nhóm 10% người giàu nhất cao gấp 40 lần so với nhóm 10% người có thu nhập thấp; 01% những người giàu nhất thâu tóm khoảng hơn 35% tổng tài sản quốc gia. Nước Mỹ vẫn tự hào là “Thế giới Tự do”, nhưng thực chất đây là “trung tâm” của nạn phân biệt chủng tộc có tính hệ thống. Vụ 04 cảnh sát Mỹ sát hại một người Mỹ gốc châu Phi vừa qua, một lần nữa gióng lên “hồi chuông báo động” về tệ nạn phân biệt chủng tộc “đáng xấu hổ”, gây cảm giác “kinh hoàng, tức giận và đau buồn” đối với cộng đồng người da màu ở Mỹ.

Tình trạng chính quyền tham nhũng, yếu kém với những chính sách “không thể chấp nhận được” làm người dân vô cùng “thất vọng”, “chán nản”. Rất đông người biểu tình ở nhiều nước đã lên án và cho rằng, chính quyền nước họ là các nhóm “quyền lực maphia”; thay vì thực hiện lời hứa với cử tri thì chính phủ chỉ lo củng cố quyền lực, thu vén cho lợi ích cá nhân, “bán rẻ lợi ích quốc gia”. Họ cũng tố cáo, tệ nạn tham nhũng “trầm kha” trong bộ máy công quyền là căn nguyên làm gia tăng các loại tội phạm, gây bất ổn xã hội. Người biểu tình ở Chile phản đối quyết định cắt giảm trợ cấp xã hội, tăng giá các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu của chính phủ; họ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến “bần cùng hóa” tầng lớp lao động nghèo, kể cả tầng lớp trung lưu khi mà cuộc sống của họ đang trong tình cảnh muôn vàn khó khăn, do kinh tế suy giảm, tình trạng thất nghiệp gia tăng, lại thêm tác động của dịch bệnh Covid-19.

Mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng đối lập với chính quyền đương nhiệm làm đất nước “rối ren”. Tuy mức độ khác nhau, nhưng mâu thuẫn giữa các lực lượng đối lập với chính quyền đương nhiệm là vấn đề “gai góc” đe dọa đến ổn định chính trị ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh. Mâu thuẫn giữa phe đối lập do “Tổng thống tự phong” Juan Guaido đứng đầu với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã trở thành “cuộc chiến mất - còn” trên tất cả các  mặt trận: chính trị, pháp lý, ngoại giao và bạo lực vũ trang, khiến cho chính trường nước này luôn bị “chao đảo”. Tổng thống Evo Morales được đánh giá là vị nguyên thủ “Thổ địa” đầu tiên ghi “dấu ấn sâu đậm nhất” trong lịch sử của Bolivia vì có công đưa nước này từ một quốc gia nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển trở thành một “mô hình” phát triển bền vững trong tốp đầu ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, việc Tổng thống Evo Morales chấp chính liên tiếp ba nhiệm kỳ trong khi Hiến pháp quy định mỗi tổng thống chỉ được cầm quyền không quá hai nhiệm kỳ là “yếu huyệt chết người” để phe đối lập khai thác “hạ bệ”, khi Evo Morales mới tuyên bố thắng cử nhiệm kỳ thứ tư được mấy ngày; chính thức khép lại “cuộc đối đầu đầy cam go” kéo dài gần hai thập kỷ giữa chính phủ của Ông với phe đối lập của “người da trắng thực dân”.

Chính sách “can thiệp” của Mỹ làm “lũng loạn” các nước trong khu vực. Theo giới phân tích quốc tế, những năm gần đây, chính quyền Washington ráo riết tiến hành chính sách “can dự” làm “lũng loạn” các nước trong khu vực nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ ở khu vực và thế giới. Đối với các nước do chính phủ cánh tả cầm quyền, được cho là đang “mọc lên như nấm” ở khu vực, Mỹ ra sức hậu thuẫn cho lực lượng đối lập tiến hành cái gọi là “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”; đồng thời, trực tiếp tiến hành bao vây, trừng phạt kinh tế, răn đe quân sự, tạo thế “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, nhằm lật đổ chính quyền sở tại để thay thế bằng một chính quyền “thân Mỹ”. Đối với các nước Mỹ Latinh được cho là thân Nga và Trung Quốc, Mỹ gia tăng sức ép nhằm ngăn chặn “tầm ảnh hưởng” của hai cường quốc này ở khu vực được coi là “sân nhà” của Mỹ. Đối với các nước khác, Mỹ thực hiện chính sách “chia để trị”, gia tăng sự phụ thuộc về kinh tế, chính trị, buộc các nước này đi theo “quỹ đạo” do Mỹ định ra.

Các nhà phân tích cho rằng, trong các nguyên nhân chính dẫn đến “Mùa Xuân Mỹ Latinh” kể trên thì nguyên nhân xuất phát từ sự bất công, bất bình đẳng xã hội, sự yếu kém, bất lực của chính quyền đương nhiệm là nguyên nhân chủ quan cơ bản, quan trọng nhất, là “tiền đề”, “cơ hội” cho các nguyên nhân khác nảy nở, phát triển. Ngược lại, các nguyên nhân từ sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái, chính đảng; sự can dự có chủ đích của nước ngoài lại có vai trò “xúc tác”, “kích thích” làm cho nguyên nhân từ sự bất công, bất bình đẳng xã hội càng trở nên trầm trọng, nguy hiểm hơn.

Những hệ lụy của “Mùa Xuân Mỹ Latinh”. Theo các nhà phân tích quốc tế, kinh tế khu vực Mỹ Latinh đang chịu thiệt hại nặng nề bởi “cú đúp” đại dịch Covid-19 và “đại dịch” “Mùa Xuân Mỹ Latinh”. Theo báo cáo của các tổ chức khu vực và quốc tế, chỉ số đánh giá tình hình kinh tế Mỹ Latinh những tháng đầu năm 2020 đã giảm từ âm 14,1 điểm xuống mức âm 60,4 điểm; tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ sụt giảm trên 5,3%, mức giảm kỷ lục từ năm 1930 đến nay; tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 8,1% năm 2019 lên 11,5% năm 2020, đưa số người thất nghiệp lên gần 50 triệu. Tỷ lệ đói nghèo tăng 4,4%, tỷ lệ đói nghèo cùng cực cũng tăng 2,6%. Điều đó đồng nghĩa tại khu vực 650 triệu dân này sẽ có khoảng 215 triệu người nghèo đói và hơn 32 triệu người sống trong cảnh cùng cực. Mặt khác, làn sóng biểu tình là nguy cơ “nhãn tiền” gia tăng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng bất chấp những nỗ lực phòng, chống của chính phủ. Thống kê cho thấy, Mỹ Latinh hiện đã có hơn 600.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 33.000 ca tử vong. Nhiều quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại rằng, “biển người” biểu tình tụ tập dài ngày ở hàng loạt nước có thể khiến Mỹ Latinh không thể kiểm soát được đại dịch Covid-19. Điều đó sẽ là “thảm kịch tồi tệ” cho khu vực và thế giới.

Làn sóng biểu tình bùng phát không những không làm “hạ nhiệt” mà càng “hun nóng” các bất đồng, mâu thuẫn xã hội. Đó là mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân, giữa tầng lớp thượng lưu với tầng lớp lao động nghèo, giữa các sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, giữa người bản địa với người nhập cư ngày càng sâu sắc, làm cho sự gắn kết xã hội, trật tự của đất nước càng trở nên “lỏng lẻo” “dễ bị tổn thương” hơn. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công viên, cơ sở văn hóa, xã hội, vui chơi, giải trí,… phải đóng cửa, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ USD, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế quốc gia và trật tự xã hội. Nguy hiểm hơn, các băng nhóm tội phạm, các đảng phái đối lập, các phần tử dân tộc cực đoan lợi dụng biểu tình để kích động bạo loạn, bạo lực, cướp phá, thanh trừng lẫn nhau và xung đột với chính quyền,… khiến cho nhiều thành phố, địa phương của nhiều nước trở nên “hỗn loạn”. Có thể thấy, việc chính phủ nhiều nước huy động số lượng lớn cảnh sát vũ trang với trang, thiết bị hiện đại để trấn áp biểu tình, khiến cho tình hình càng phức tạp hơn; đó được ví như một “vòng luẩn quẩn”, “bạo lực đẻ bạo lực” không có hồi kết. Việc Tổng thống Mỹ Donand Trump có những tuyên bố cứng rắn và hành động răn đe trấn áp người biểu tình không những không còn “uy lực” như trước đây, mà còn bị coi là “điểm trừ”, việc làm “tự gây khó cho mình” trong cuộc đua tiếp tục ở lại Nhà Trắng vào cuối năm 2020.

Như vậy, “cơn địa chấn” chính trị Tây Bán Cầu không chỉ tiếp tục hoành hành, “tác oai tác quái” các nước ở khu vực, mà còn tạo hiệu ứng “đôminô” lan truyền làn sóng biểu tình làm rung chuyển hàng loạt nước ở khắp các châu lục trên thế giới. Các cuộc biểu tình, bạo loạn mang tên G. Floyd ở Mỹ được cho là đang “truyền cảm hứng” cho làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Australia, Anh, Pháp, Đức, Canada, Thụy Sĩ, Hy Lạp và nhiều nước khác. Dù các cuộc biểu tình chỉ mang tính ôn hòa, nhưng chính quyền các nước này đang rất lo ngại sự lây nhiễm Covid-19 trong những người biểu tình có thể biến các nỗ lực chống dịch của chính phủ trở về “con số không”.

“Mùa Xuân Mỹ Latinh” ra sao, kết cục như thế nào vẫn còn là vấn đề cần thời gian để có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng có một thực tế chắc chắn là thời gian tới đây, tình hình khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Dư luận cho rằng, Mỹ Latinh đã trải qua những “thăng trầm” lịch sử. Làn sóng biểu tình ở hàng loạt nước Mỹ Latinh vừa qua là lời cảnh báo đanh thép cho chính quyền các nước khu vực, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, phức tạp, thì các chính phủ dù theo khuynh hướng chính trị nào cũng cần có đủ tỉnh táo đề ra được các chủ trương, chính sách phù hợp đưa đất nước vượt qua thách thức, nguy cơ, phát triển phồn vinh, thịnh vượng; mọi người dân đều được đối xử bình đẳng, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Chỉ có như vậy, “Mùa Xuân Mỹ Latinh” mới thực sự là “Mùa Xuân” cho khu vực theo đúng nghĩa của nó và Mỹ Latinh mới thực sự là “đầu tàu” kinh tế của thế giới.

ĐỒNG ĐỨC - ĐỨC MẠNH