Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga tại khu vực Trung Đông

5/21/2020 7:57:40 AM

Nếu năm 2015, dư luận thế giới còn đặt nhiều câu hỏi cho việc Moscow quyết định can dự quân sự vào Syria, thì đến năm 2019, đặc biệt là đầu năm 2020, tính hiệu quả của nó đã được khẳng định, vị thế của Nga đang ngày càng được củng cố ở Trung Đông. Đây là thách thức không nhỏ đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực này.

Chiến lược đảo ngược thế cờ của Nga

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, không gian ảnh hưởng của Nga liên tục bị thu hẹp bởi chính sách Đông tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hàng loạt quốc gia từng nằm trong “quỹ đạo” của Nga lần lượt gia nhập tổ chức này. Cho tới khi làn sóng đảo chính mang tên “Mùa xuân Arab” do phương Tây hậu thuẫn bắt đầu từ năm 2010 lật đổ các nhà lãnh đạo ở một loạt quốc gia, trong đó có Tổng thống Libya Muammar Gaddafi - nhân vật theo đuổi chính sách thân cận với Moscow, rồi tiếp tục hướng đến Syria - đồng minh truyền thống của Nga ở Trung Đông, Điện Kremlin đã không thể ngồi im. Quyết định đưa quân tới bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 9/2015 đã phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng, Nga sẽ không tiếp tục “nhún nhường” trong cuộc cạnh tranh tại khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng này.

Sở dĩ, thời điểm đó, rất ít quan điểm tin tưởng Nga có thể xoay chuyển tình thế ở Trung Đông, vì sau cuộc chính biến tại Ukraine năm 2014, Moscow tiến hành thu hồi bán đảo Crime và bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở khu vực Donbass thành lập nhà nước tự trị. Đây là cái cớ để Mỹ và EU liên tục tìm cách cô lập về chính trị, ra hàng loạt đòn trừng phạt về kinh tế, tài chính nhằm làm suy yếu nước Nga. Đã có những nhận định liên tưởng việc Nga can dự quân sự vào Syria giống như chuyện Liên Xô đưa quân đội vào Afghanistan hồi cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đồng thời ám chỉ Syria sẽ là Afghanistan thứ 2 đối với Nga.

Tuy nhiên, với hỏa lực không quân, hải quân hùng hậu, chiến thuật quân sự khôn ngoan, cùng với các bước đi ngoại giao uyển chuyển, chính sự hậu thuẫn của Nga đã giúp quân đội Chính phủ Syria dần dần chiếm ưu thế trên thực địa. Đến đầu năm 2020, Damacus đã nắm lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn, giành lại các thành phố trọng yếu từ tay phe nổi dậy, đánh đuổi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tiến gần hơn đến “chương cuối” của cuộc nội chiến kéo dài gần một thập kỷ này.

Từ một quốc gia bị cho là ở thế yếu hơn, Nga đã trở lại trung tâm “cuộc chơi lớn” ở Trung Đông. Chiến lược can dự và cách tiếp cận khá cân bằng và khéo léo của Nga đối với tình hình Syria không chỉ làm thay đổi cán cân lực lượng và cục diện địa chiến lược ở Trung Đông, mà còn đưa Nga trở thành đối tác đáng tin cậy tại khu vực. Nói một cách khác, Nga đang xoay chuyển tình thế khá thành công ở Trung Đông và Tổng thống V. Putin đã thiết lập được mối quan hệ gần gũi với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia chủ chốt ở khu vực này. Có thể liệt kê một loạt các hoạt động ngoại giao dồn dập liên quan đến Nga thời gian gần đây để thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của nước này ở Trung Đông. Đó là chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Nga hồi tháng 9/2019 với mục tiêu tìm kiếm sự phối hợp của Nga trong nhiều vấn đề nóng, gồm cả quan hệ với Palestine, hay chuyến công du của Tổng thống V. Putin tới 2 quốc gia có vai trò hàng đầu tại khu vực là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 10/2019, v.v. Song song với việc khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông, Nga còn củng cố quan hệ với các cường quốc, hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Với mục đích này, Nga đã được nhiều nước trong khu vực chào đón.

Sự suy giảm vai trò của Mỹ

Trái ngược với sự trở lại mạnh mẽ của Nga, vai trò của Mỹ ở Trung Đông trong thời gian vừa qua được đánh giá là có sự sụt giảm đáng kể. Từ khi lên nắm quyền đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump thực hiện nhiều bước đi gây tranh cãi, đảo ngược nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực này so với các chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, mục tiêu của những chiến lược này đang ngày càng trở nên mâu thuẫn và rối rắm.

Thực hiện cam kết tranh cử và ngay từ khi ngồi vào ghế Tổng thống, ông chủ Nhà Trắng đã tìm biện pháp chấm dứt “những cuộc chiến không có hồi kết” ở khu vực Trung Đông để rút quân đội về nước. Tuy nhiên, những gì Washington triển khai tới nay đang được nhìn nhận như một chính sách nửa vời. Một loạt quyết định mới nhất của Tổng thống Donald Trump trên “bàn cờ” địa - chính trị Syria được đánh giá là “thảm họa” về chính trị và chiến lược. Đơn cử như việc Tổng thống Donald Trump hai lần hạ lệnh cho các lực lượng Mỹ rút khỏi Syria, nhưng sau đó lại vội vàng điều động lực lượng vũ trang hạng nặng để “bảo vệ” các cơ sở dầu mỏ tại nước này. Giới phân tích nhận định, sở dĩ Washington duy trì lực lượng tại Syria là do vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ các đồng minh và trong chính nội bộ nước Mỹ. Vì, nếu Lầu Năm Góc rút binh sĩ ra khỏi miền Bắc Syria, hầu hết các mục tiêu mà Washington đã thiết lập tại Trung Đông có nguy cơ bị phá hủy. Trước hết, quyết định này khiến đồng minh người Kurd của Mỹ bị tổn thương sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp theo, nó sẽ tạo điều kiện cho tàn quân IS đang tái cơ cấu và trỗi dậy. Trước đây, IS vốn được hình thành từ “khoảng trống” an ninh bắt nguồn từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến tại Syria và dự báo, cũng từ chính sách không dứt khoát của Mỹ, tổ chức khủng bố này sẽ quay trở lại.

Điều mâu thuẫn ở chỗ, dù chính sách ban đầu là tìm cách rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc chiến kéo dài và vô nghĩa ở Trung Đông nhằm giành được sự ủng hộ của cử tri, song, Tổng thống Donald Trump dường như lại “đi chệch” mục tiêu của mình. Ví dụ rõ nét nhất là việc rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 với sự tham gia của Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức); đồng thời, “gây sức ép tối đa” đối với Tehran thông qua việc siết chặt các lệnh trừng phạt. Động thái này dẫn tới nhiều hành động đáp trả của Tehran, đẩy nguy cơ đối đầu quân sự tại vùng Vịnh lên đến mức báo động. Vì thế, thay vì cắt giảm lực lượng, chính quyền Mỹ điều động thêm 14.000 binh sĩ đến vùng Vịnh, gồm hơn 3.000 binh sĩ đến Saudi Arabia. Còn Iraq dường như trở thành chiến trường giữa Mỹ và Iran khi Mỹ không kích sân bay Baghdad khiến Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qasem Soleimani thiệt mạng và Tehran trả đũa bằng việc sử dụng tên lửa tấn công vào 02 căn cứ quân sự của Mỹ tại quốc gia này. Mặc dù một cuộc đối đầu quân sự tạm thời được loại trừ, song chính sách trừng phạt của Mỹ sẽ làm lu mờ triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Iran, bởi Tehran có quan điểm khá cứng rắn trong vấn đề này.

Đối với hồ sơ Israel - Palestine, mặc dù Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ khi lên nắm quyền rằng, bản thân ông nghiêng về hướng giúp cả hai bên chung sống hòa bình, gồm cả giải pháp hai nhà nước, song những diễn biến trên thực tế đang chứng tỏ điều ngược lại. Ông và đội ngũ chuyên về chính sách Trung Đông tỏ ra không mặn mà với giải pháp hai nhà nước. Động thái gây tranh cãi nhất là việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem, cũng như việc Mỹ từ bỏ lập trường coi các khu định cư Do Thái là không phù hợp với luật pháp quốc tế, đảo ngược chính sách tồn tại nhiều thập niên của Washington về xung đột Israel - Palestine. Tuy nhiên, chính sách này lại có khả năng kích hoạt xung đột giữa Israel và Palestine, đẩy Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Mỹ khởi xướng lâm vào bế tắc, khiến vai trò của Washington trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế càng bị nghi ngờ.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chưa có hồi kết

Sự trở lại mạnh mẽ của Nga tại Trung Đông cho thấy, chính sách của Moscow đang được điều chỉnh theo hướng ngày càng can dự tích cực hơn vào khu vực có ý nghĩa địa - chính trị quan trọng này. Thời gian qua, Nga vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia theo dòng Hồi giáo Shi’ite, như: Iran, Iraq và Syria; đồng thời, tham gia đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh theo dòng Hồi giáo Sunni. Cả Ai Cập và Israel hiện giờ đều có “kênh” liên lạc riêng với điện Kremlin. Nga cũng đã chủ trì các cuộc họp giữa các đảng chính trị Palestine, các đại diện người Kurd và thành viên phe đối lập Syria, v.v. Thực tế những gì diễn ra vừa qua cho thấy, Nga ngày càng giữ vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông, từng bước thể hiện sức mạnh của một cường quốc thế giới. Đây sẽ là chìa khóa giúp Nga gia tăng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực này. Những nhà lãnh đạo từng là đồng minh của Mỹ ở Ai Cập hay Saudi Arabia gần đây thường xuyên lui tới Moscow cho những cuộc tham vấn cấp cao, trong khi các thỏa thuận vũ khí Nga và các dự án đầu tư vào năng lượng không ngừng tăng lên từ vùng Vịnh tới Khu vực Maghreb (gồm: Algeria, Libya, Mauritania, Morocco, Tunisia và Tây Sahara).

Về phía Washington, với mục tiêu đầy tham vọng là “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, chính sách của Tổng thống Donald Trump tại Trung Đông sẽ phát triển theo xu hướng thực dụng, tối đa hóa lợi ích của Mỹ và đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu trong mọi tính toán chiến lược. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng lưu ý rằng, chính sách đối ngoại của Washington dựa trên “chủ nghĩa hiện thực, tự kiểm soát và tôn trọng”. Theo đó, Tổng thống Donald Trump muốn “Mỹ trở thành một hình mẫu” và đây chính là mô hình ngoại giao mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xây dựng. Cũng theo ông Pompeo, Tổng thống Mỹ đang thiết lập các liên minh, nhằm phục vụ các lợi ích cơ bản của Mỹ. Căn cứ vào phát biểu này, có thể hiểu Washington theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên cách tiếp cận “thận trọng”, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ, hạn chế sự dàn trải sức mạnh ở nước ngoài, tránh phiêu lưu trong các cuộc chiến không có mục tiêu rõ ràng. Như vậy, chính sách Trung Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức cũng nằm trong chủ trương cốt lõi này, thể hiện ở những bước điều chỉnh cả về hoạch định lẫn triển khai chính sách đối với từng hồ sơ cụ thể.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù chính sách đối với Trung Đông của Mỹ có thay đổi và trên thực tế vẫn đang có nhiều điểm mơ hồ, song yếu tố không đổi vẫn là bài toán lợi ích. Nói một cách cụ thể, Mỹ có thể giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, song, không đồng nghĩa tham vọng của Washington suy giảm. Thay vào đó, Mỹ sẽ tìm những công cụ khác để duy trì và củng cố ảnh hưởng của mình, từ đó đảm bảo lợi ích chiến lược ở khu vực. Đó có thể là việc xây dựng liên minh có lựa chọn trong khu vực, kiềm chế các chính quyền mà Mỹ coi là đối địch hay chi phối và kiểm soát nguồn dầu mỏ.

Nói chung, Mỹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ và tăng cường lợi ích chiến lược ở Trung Đông, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và các cường quốc, trong đó có Nga, ngày càng quyết liệt. Điều này sẽ khiến “bàn cờ” Trung Đông tiếp tục trở thành “điểm nóng” trong thời gian tới.

LÂM PHƯƠNG