Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

7/26/2022 1:33:20 PM

Trong những năm qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện với nhiều nội dung, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng được thụ hưởng chính sách; tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động quan trọng này.

Đoàn công tác Cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm trước căn nhà mới của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tú

“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống, đạo lý thể hiện tính nhân văn, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng, Người căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”1. Thấm nhuần lời dạy của Người và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm gần đây, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện công tác chính sách, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trọng tâm là: Chỉ thị số 169-CT/QUTW, ngày 29/12/2020 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 1085-KH/QUTW, ngày 24/11/2017 về thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư (khóa XII). Theo đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện rộng khắp, với nhiều nội dung, hình thức, cách làm sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sâu đậm tính nhân văn của con người Việt Nam. Nổi bật là: các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp, tham gia nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 09/12/2020 về Ưu đãi người có công với cách mạng; đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, v.v. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đề nghị cấp lại hồ sơ thương binh và giải quyết truy lĩnh trợ cấp thương tật; xét duyệt, thẩm định và triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, ngày 20/7/2018 của Chính phủ. Đến nay, cả nước có hơn 4,6 triệu người được hưởng trợ cấp một lần và hằng tháng, với số tiền trên 15.000 tỉ đồng. Đã cơ bản hoàn thành xác minh kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; đồng thời, tích cực triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2012 đến tháng 12/2021, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được 17.781 hài cốt liệt sĩ; trong đó, xác định danh tính được 4.277 hài cốt liệt sĩ; huy động được nhiều nguồn lực, nhất là sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ để tổ chức hiệu quả các hoạt động, như: hỗ trợ xây tặng “Nhà tình nghĩa”; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ quân nhân bị thương, gia đình quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gặp mặt, tuyên dương thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu2, bảo đảm trọng thị, chu đáo, nghĩa tình. Thông qua đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” của Quân đội đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao.

Trong những năm tới, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan tâm chăm lo đối với người có công. Tuy nhiên, mặt trái kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội tác động trực tiếp đến đời sống của người có công và gia đình họ; khối lượng, nhiệm vụ công tác chính sách lớn, phức tạp, nhất là giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh, v.v. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đó là: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa...; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”3, góp phần chăm lo, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng chính sách, tạo động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu đó, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan, đơn vị các cấp trong toàn quân, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là giải pháp rất quan trọng, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Do đó, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, của Tổng cục Chính trị về chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách, người có công nói chung, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nói riêng. Đồng thời, thông tin tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận thức đúng vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa chính trị, giá trị nhân văn sâu sắc, cũng như hiệu quả của hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở đó xác định rõ: việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó, vai trò, trách nhiệm của Quân đội là rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, phù hợp với thực tiễn; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Quân đội để tuyên truyền, định hướng dư luận, chuyển tải thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới mọi đối tượng và toàn dân; chú trọng nâng cao chất lượng Chương trình “Đi tìm đồng đội” phát sóng hằng tuần trên kênh truyền hình VTV2, kênh Quốc phòng Việt Nam và chuyên mục cung cấp, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên Cổng Thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội. Qua đó, khơi dậy trách nhiệm, bổn phận của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội được lan tỏa, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Sư đoàn 968 khám, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: qdnd.vn

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là vấn đề cốt lõi, là một trong những yếu tố mang tính quyết định việc thực hiện thắng lợi đối với hoạt động quan trọng này, bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp luôn là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho các mặt công tác nói chung, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội nói riêng được thực hiện theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và đạt chất lượng, hiệu quả thực chất. Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chức năng các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2020); Chỉ thị số 169-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Chủ động đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể, bảo đảm khoa học, khả thi, phù hợp thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, thường xuyên bám sát thực tiễn, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, các địa phương để thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong thực hiện các chế độ, chính sách hiện hành đối với các đối tượng chính sách và người có công, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu vận dụng linh hoạt, chú trọng quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống cho các gia đình chính sách, người có công còn nhiều khó khăn, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng,… bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Thường xuyên thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng; đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “...thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”4, các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch với nội dung, hình thức phù hợp, thiết thực, bảo đảm sát yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” theo nguyên tắc: “Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”5. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, những việc làm tốt, cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, vừa có giá trị động viên thiết thực đối với các đối tượng chính sách, vừa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn quân, toàn dân đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát, kịp thời phát hiện những nội dung vướng mắc, khó khăn, bất cập; những hình thức không còn phù hợp hoặc hiệu quả thấp,... để có hướng khắc phục, điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục vận động đóng góp, quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cũng như các nguồn lực huy động từ xã hội hóa và khả năng của đơn vị; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đối tượng chính sách trên các địa bàn căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ các Trung tâm nuôi dưỡng người có công; gia đình quân nhân bị thương, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Tổ chức thực hiện tốt các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; thắp nến tri ân; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn đóng quân, v.v. Chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng phục vụ, không để xảy ra hiện tượng gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng được thụ hưởng chính sách. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần coi trọng việc kết hợp chặt chẽ công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với công tác dân vận, Phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”; phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Kịp thời biểu dương, học tập, noi gương điển hình tiên tiến của thương binh và các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn quân và xã hội.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng và cả hệ thống chính trị trong thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trong đó ngành Chính sách Quân đội cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì, thường xuyên phối hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị và địa phương để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, tính tích cực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Cục Chính sách và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP về Ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Phối hợp xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; tích cực xác định mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ các quân khu, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách của Chính phủ Lào, Chính phủ Campuchia và chính quyền các cấp của bạn đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin; nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là địa bàn trong nước. Các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể địa phương (đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn nắm chắc số lượng đối tượng chính sách và tình hình thực hiện các chế độ, chính sách; trên cơ sở đó, nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn của cơ quan, đơn vị và địa phương, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng và toàn dân tích cực hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của để đưa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành phong trào ngày càng sâu rộng.

Cùng với các giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên chăm lo xây dựng cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách toàn quân trong sạch, vững mạnh; có tinh thần trách nhiệm cao, có phương pháp, tác phong công tác khoa học; luôn “Đoàn kết, tận tụy, chủ động, sáng tạo, chu đáo, nghĩa tình”,... để tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác chính sách, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.

Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội có vị trí, vai trò rất quan trọng, là hoạt động tri ân mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022) là một sự kiện lớn của đất nước, đây là dịp quan trọng để các cơ quan, đơn vị toàn quân đẩy mạnh, thực hiện tốt hơn nữa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, qua đó góp phần bồi đắp truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, làm cho hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Thượng tướng ĐỖ CĂN, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 372.

2 - Từ năm 2016 đến tháng 7/2022, toàn quân hỗ trợ xây tặng gần 4.790 Nhà tình nghĩa, trị giá trên 302 tỉ đồng; phụng dưỡng 2.867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, số tiền gần 60 tỉ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với gần 30.000 ngày công, số tiền gần 45 tỉ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), số tiền 50 tỉ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 317.120 lượt người, với số tiền gần 60 tỉ đồng; tặng trên 3.500 số tiết kiệm cho đối tượng chính sách, số tiền trên 10 tỉ đồng; hỗ trợ, tặng quà một số Trung tâm nuôi dưỡng thương binh, đỡ đầu Làng Hữu Nghị, hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, tặng quà các đoàn đại biểu người có công với cách mạng thăm Bộ Quốc phòng,… với số tiền trên 600 tỉ đồng. Tuyển dụng và tạo việc làm cho gần 1.100 trường hợp là con đối tượng chính sách, con thương binh nặng đang nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng người có công và vợ, con liệt sĩ hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, v.v.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 270.

4 - Sđd, tr. 148 - 149.

5 - Mục 2, Điều 6, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIV) về Ưu đãi người có công với cách mạng.