Sự thật cái gọi là “Chiến sĩ dân chủ”

6/25/2020 9:19:12 AM

Thời gian qua, một số người nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”,… tự cho mình là “chiến sĩ dân chủ” và rời khỏi hàng ngũ của Đảng; lợi dụng dân chủ cố ý nói, viết, làm trái Hiến pháp và pháp luật. Hành động của họ thể hiện rõ là những người suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần nhận diện, lên án và đấu tranh.

Những “chiến sĩ dân chủ” - chính là số ít cán bộ, đảng viên mà trong đó có người đã từng giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, một thời được trọng dụng, một số hiện đã nghỉ theo chế độ hoặc do vi phạm khuyết điểm nên “hạ cánh không an toàn”. Để bảo vệ cái gọi là “danh dự”, “nhân phẩm” và che đậy những sai phạm của mình, họ đã vội vàng “quay đầu” chỉ trích Đảng, Nhà nước. Không những vậy, họ còn lớn tiếng tuyên bố từ bỏ Đảng với các lý do hết sức chủ quan, phiến diện: Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng lãnh đạo đất nước, lực cản cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, v.v. Từ đó, họ được các thế lực thù địch, phần tử phản động hà hơi, tiếp sức, “ca ngợi”, “tung hô” như những “người hùng”. Để rồi những “chiến sĩ dân chủ” bỏ đảng lao vào viết, phát ngôn, hành động với nhiều nội dung không đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng để các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, gây phương hại đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Họ thực sự là những phần tử đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải được loại bỏ.

Như chúng ta biết, bất cứ đảng viên nào của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đều là những chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, tự nguyện suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, không bóc lột; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi đảng viên phải là người có giác ngộ, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; tự nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, có tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu, đi đầu trong công tác; xử lý hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết; liên hệ mật thiết với nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện này.

Nhờ đó, trong suốt 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện mục tiêu, lý tưởng ấy, Đảng không ngừng đổi mới, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại,… được thế giới đánh giá cao. Sức mạnh kinh tế của đất nước không ngừng được cải thiện, đời sống nhân dân ngày một tốt hơn. Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 7,02%. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong suốt giai đoạn 1990 - 2018, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao nhất thế giới1. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam đã tạo nên một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,45% trong năm 2019. Trải qua 15 năm phấn đấu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (2000 - 2015), Việt Nam đã trở thành một trong những nước hoàn thành các mục tiêu đã xác định và về đích trước thời hạn 5/8 mục tiêu. Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá: có rất ít quốc gia đạt được như Việt Nam và đây là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, có hiệu quả với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, ngày 07/6/2019, đoàn Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193) chưa từng có trong 75 năm lịch sử Liên hiệp quốc. Kết quả trên khẳng định uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế; Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi cơ chế đa phương mà chúng ta tham gia.

Không những thế, thành tựu của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng càng thể hiện rõ những chính sách an sinh xã hội mà người dân được hưởng, nhất là về y tế và giáo dục. Nổi bật là trong đợt chống đại dịch Covid-19, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta kiên định lựa chọn đã thể hiện rất rõ việc chúng ta huy động cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người dân, không kể tuổi tác, thành phần, quốc tịch; tập trung chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh, với phương châm: vì sức khỏe, tính mạng của người dân sẵn sàng hy sinh một phần đà tăng trưởng của nền kinh tế. Chính từ trong giai đoạn cam go, cả nước chung sức “chống dịch như chống giặc” này, niềm tin của người dân về một chế độ xã hội ưu việt mà Đảng ta, dân tộc ta đã lựa chọn ngày càng được củng cố. Đó là câu trả lời đanh thép đáp lại những lập luận vô căn cứ của những “chiến sĩ dân chủ”, “kẻ sĩ yêu nước”.

Lẽ tất nhiên, trong quá trình lãnh đạo dân tộc, Đảng cũng không tránh khỏi có những sai lầm, khuyết điểm. Trong nội bộ Đảng cũng có những phần tử thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, v.v. Trong số đó, có những người suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, không kiên định, dao động, thiếu niềm tin vào lý tưởng, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thiếu tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không còn ý thức vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên. Nguyên do thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất. Đó còn do bản lĩnh chính trị không vững vàng, từ chỗ ban đầu mơ hồ, ảo tưởng, hoang mang, dao động tư tưởng chính trị trước những tác động từ bên ngoài, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng,… dẫn đến hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,… nên thiếu “sức đề kháng”, không đủ “miễn dịch” trước những tác động tiêu cực trong xã hội; từ đó, đồng lõa với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực, phần tử thù địch, phản động đối với cách mạng.

Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng trên và đề ra hệ thống các giải pháp cấp bách để tiếp tục đổi mới, xây dựng Đảng về “chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Theo đó, Đảng không chấp nhận những cá nhân thoái hóa, biến chất, làm suy yếu Đảng và đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ những thành phần sâu, mọt ấy. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Việc kiên quyết và nghiêm khắc xử lý những sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cũng như việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng đã tạo sự chuyển biến bước đầu, có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực,... góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, không thể vin vào những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém như trên để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; cũng không thể đồng nhất toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, thoái hóa, biến chất, quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm, tiêu cực trong xã hội cho Đảng. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là phủ nhận lịch sử, phủ nhận lòng tin của nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc; là sự xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam đối với Đảng.

Vì vậy, những con người tự nhận là “chiến sĩ dân chủ” đó thực chất là những kẻ cơ hội về chính trị; lợi dụng dân chủ để chống Đảng, cố ý nói, viết và làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ lấy các ví dụ cụ thể sự yếu kém của một bộ phận để đánh đồng cho toàn Đảng là một cách nhận định, đánh giá thiếu khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Và vô hình dung, chính bản thân họ cũng đã tự ghép mình vào cái bộ phận yếu kém, cái khối u ác tính, xấu độc mà Đảng ta đang tích cực đấu tranh để loại bỏ, làm cho cơ thể của Đảng ngày một trong sạch hơn, khỏe mạnh hơn.

Các “chiến sĩ dân chủ” nếu không còn đủ bản lĩnh, trí tuệ và nhân cách để bước tiếp trên con đường cách mạng, thì hãy giữ mình, phấn đấu làm một công dân tốt; đừng lợi dụng hai chữ “dân chủ” mà có những phát ngôn và hành động đi ngược lại ý chí và nguyện vọng chung của cả quốc gia, dân tộc. Việc làm sai trái đó tất yếu sẽ bị xã hội tiến bộ loại bỏ.

Đại tá, TS. PHẠM QUANG THANH, Trường Sĩ quan Chính trị
_________________

1 - Với chỉ số 0,693 - HDI của Việt Nam đang ở mức trần của nhóm các nước trung bình trên thế giới và chỉ cần thêm 0,007 điểm là được vào nhóm các nước có HDI ở mức cao.