Phòng, chống “phi chính trị hóa” Quân đội trong kỷ nguyên số

11/26/2020 10:20:02 AM

Trong kỷ nguyên số, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung, Quân đội nói riêng. Mặt trái của nó đặt ra khó khăn, thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống “phi chính trị hóa” Quân đội, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức rõ, có giải pháp khắc phục, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang làm thay đổi cách sống, làm việc và tương tác của con người theo tốc độ và quy mô chưa từng thấy. Ở Việt Nam, năm 2020 là năm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030”, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Kỷ nguyên số giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế; mở ra chân trời sáng tạo mới, thế giới mới, để mọi người, từng cộng đồng chia sẻ, giao lưu, tiếp cận và đóng góp chung vào văn minh nhân loại, khẳng định giá trị; đưa đến hy vọng mới về sự phát triển nền văn minh mới, mà thuật ngữ “thông minh” nổi lên như là từ khóa đặc trưng, phổ quát. Thời cơ thuận lợi nhiều, nhưng hệ lụy tiêu cực của nó đối với nhân loại trên tất cả các lĩnh vực ngày càng rõ ràng, với nhiều thách đố khó đoán định.

Trước hết, kỷ nguyên số tạo ra những thuận lợi và cơ hội cho nhiệm vụ phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Công nghệ số tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đó là cơ hội cho Việt Nam đón bắt, tranh thủ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, là điều kiện thuận lợi, thời cơ lớn để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Nhận thức, niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội được củng cố, nâng cao. Đảng và Nhà nước ta có điều kiện tốt hơn để xây dựng Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong kỷ nguyên số, sự hiện đại về vũ khí, trang bị mà công nghệ số mang lại sẽ thúc đẩy và đòi hỏi phải có những con người với những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu. Trình độ làm chủ khoa học công nghệ quân sự mới, nhất là công nghệ thông tin, vũ khí, trang bị mới; tư tưởng, bản lĩnh chính trị,... với tư cách là những phẩm chất tối quan trọng của quân nhân có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, các nhà khoa học, lý luận, lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh được nâng lên và có điều kiện phát huy tốt, đáp ứng yêu cầu mới của cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng.

Kỷ nguyên số khách quan tạo nên “chất liệu” mới cho việc nhìn nhận, bổ sung, phát triển nhận thức mới về lý luận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo đó, những vấn đề chính trị của Quân đội, như nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng,... được củng cố vững chắc và bổ sung phát triển mới, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội về chính trị; tạo tiền đề chính trị tinh thần, tư tưởng lý luận và sức mạnh vật chất cho phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội.

Cùng với đó, là những khó khăn, thách thức lớn đối với nhiệm vụ phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Trong kỷ nguyên số, tư tưởng “vũ khí luận”, tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, trang bị, khoa học công nghệ và những biểu hiện xem nhẹ nhân tố con người,... dẫn đến buông lỏng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội.

Sự ra đời các công nghệ mới, tự động hóa và robot thay cho công nhân, người máy thông minh làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, không đóng thuế,… đe dọa trực tiếp đến tương quan sử dụng lao động, đó là người thật hay người máy thì những “dự đoán” khái niệm bóc lột sẽ không còn và cũng không còn giai cấp công nhân làm thuê nữa (!),... có vẻ như có “cơ sở khoa học”. Những vấn đề lý luận then chốt, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin bị thách đố nghiêm trọng về tính khoa học và cách mạng. Điều đó tác động mạnh mẽ đến nền tảng tư tưởng và mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội; đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lục thù địch.

Công nghệ số tạo điều kiện vật chất, khoa học công nghệ cho sự phát triển mạng xã hội, nảy sinh và phát triển những khó khăn, phức tạp mới. An ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đặt ra một cách bức thiết. Thông tin trên mạng xã hội dễ bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, bóp méo, đưa ra quan điểm sai trái, thù địch, ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội và Quân đội. Việc củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, chiến sĩ đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, củng cố mối quan hệ mật thiết quân - dân; vấn đề xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên gặp khó khăn, thách thức mới.

Cơ hội và thách thức đan xen, có thể chuyển hóa lẫn nhau, tác động trên tất cả các nội dung cấu thành chính trị của Quân đội, nhất là về nội dung, hình thức chống phá của các thế lực thù địch. Để phát huy sự tác động tích cực, tận dụng được cơ hội, khắc phục và hạn chế tác động tiêu cực trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội trong kỷ nguyên số, chúng ta phải thực hiện tổng thể nhiều nội dung, biện pháp; tập trung thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, tận dụng điều kiện thuận lợi của kỷ nguyên số, nâng cao hiệu quả phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Nhận thức đúng bản chất, nội dung của kỷ nguyên số, yêu cầu phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội và nhiệm vụ xây dựng Quân đội về chính trị trong tình hình mới là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Kỷ nguyên số dù có thể làm biến đổi trên nhiều vấn đề cơ bản về chiến tranh và quân đội, nhưng không thể thay thế những nguyên tắc căn bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; không thể làm méo mó, biến dạng chính trị của Quân đội ta. Trái lại, nó góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội cần tận dụng, thúc đẩy điều kiện, cơ sở quan trọng này để nâng cao hiệu quả đấu tranh và xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Trong kỷ nguyên số, vấn đề cốt lõi, như: trí tuệ nhân tạo, vạn vật internet, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự và vũ khí, trang bị thông minh hiện đại, cần được phát huy, trở thành nền tảng vật chất, cơ sở khoa học công nghệ cho xây dựng Quân đội về chính trị, làm thất bại mọi mưu đồ “phi chính trị hóa” Quân đội. Cần sử dụng có hiệu quả không gian mạng với tư cách là “không gian tác chiến mới”, làm thất bại mọi sự chống phá, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Phát huy ưu thế của khoa học công nghệ, kỹ thuật số, đặc biệt là công nghệ thông tin để đổi mới nội dung, phương thức nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng và phát huy nhân tố con người trong Quân đội. 

Hai là, gắn phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đây thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong kỷ nguyên số. Yêu cầu cơ bản giải quyết mối quan hệ này đòi hỏi, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội phải phục vụ và đáp ứng tốt nhất yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Ngược lại, xây dựng Quân đội về chính trị phải tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Trong kỷ nguyên số, vấn đề tạo cơ sở, nền tảng đó càng đặt ra gắt gao, đòi hỏi phải khai thác tốt những thành tựu khoa học công nghệ của kỷ nguyên số, khắc phục những tác động tiêu cực của nó, thúc đẩy và gia tăng sự vững chắc về chính trị của Quân đội. Xây dựng Quân đội về chính trị là phải bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; có đủ trình độ hoàn thành phận sự trung thành ấy. Làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội là một phận sự phải hoàn thành và là điều kiện quan trọng để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Vì thế, trong khi chú trọng giáo dục, bồi dưỡng trình độ làm chủ khoa học công nghệ, vũ khí, trang bị, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội,… nhất thiết phải quan tâm giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị tinh thần của người quân nhân cách mạng, “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ, tạo nền tảng vững chắc cho phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng Quân đội về chính trị và phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Đây là nguyên tắc cơ bản bất di bất dịch, trong điều kiện kỷ nguyên số. Nguyên tắc cơ bản này càng phải được tuân thủ nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo cho Quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, có đủ khả năng làm thất bại mọi sự chống phá của các thế lực thù địch. Để thực hiện được, đòi hỏi Đảng phải tự nâng mình lên ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đủ sức lãnh đạo Quân đội, lãnh đạo quá trình xây dựng Quân đội về chính trị và phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội. Đảng phải có nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp, chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “hạt nhân”, “nòng cốt” trong xây dựng Quân đội, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở và trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội.

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG