Sự kiện khởi nguồn con đường giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước

6/5/2023 8:51:26 AM

Ngày 05/6/1911, với hành trang là chủ nghĩa yêu nước-nhân văn, bằng lao động để sinh tồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước, cứu dân. Cùng mục đích đi ra nước ngoài, nhưng khác với các nhà yêu nước đương thời mới chỉ dừng ở sự tiếp nhận cái dân tộc chưa có, tìm một chỗ dựa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi phương Tây để tìm hiểu giá trị thật tạo nên cái mới, đến tận nơi xem cho rõ cách làm để trở về giúp đồng bào.

Ngày 05/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên tàu mang tên “Amiral La Touche De Trévillie” ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Ảnh TTXVN

Người đã kiên trì cuộc hành trình trong gần một thập kỷ để trực tiếp khảo sát, nghiên cứu tình hình xã hội của các dân tộc, chủng tộc và thực tiễn ở những nước có các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới nhằm làm giàu văn hóa, nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn. Phương pháp đúng ấy đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi từ dân tộc đến với nhân loại, từ đó chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa-văn minh của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra nguồn gốc trực tiếp nỗi thống khổ chung của các dân tộc thuộc địa, của những người lao động và nhận thấy nhu cầu về quyền dân tộc và quyền con người là khát vọng chung của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên toàn thế giới.

Cùng với sự phê phán tính chất “không đến nơi” của cách mạng tư sản (trong Đường kách mệnh), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận những lời bất hủ, không thể chối cãi được về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp (trong Tuyên ngôn độc lập). Người cũng trực tiếp nghiên cứu, khảo sát công cuộc xây dựng xã hội mới ở Liên Xô (1923-1924), cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước lớn nhất phương Đông là Trung Quốc (1925-1927)... để rút ra những điều cần thiết cho việc hoạch định con đường riêng của dân tộc.

Với tầm trí tuệ không ngừng được làm giàu bằng tinh hoa văn hóa nhân loại và hoạt động thực tiễn phong phú đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và sử dụng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin để nhận thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển của loài người. Người đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người chỉ rõ “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.

Con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc ta, thực chất là giành độc lập dân tộc phải đưa tới tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam. Con đường đó cũng phù hợp với nguyện vọng chung của các dân tộc và xu thế phát triển của loài người, hàm chứa sâu sắc các nội dung dân tộc-nhân loại và thời đại. Thuận theo quy luật tiến hóa, đáp ứng được nhu cầu giải phóng, phát triển của dân tộc và nhân loại tiến bộ, từ trong đường lối mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra, cách mạng Việt Nam đã hội đủ các yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa bảo đảm cho sự thắng lợi.

Đi ra nước ngoài tìm được con đường cho cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là công lao vĩ đại, cống hiến lý luận sáng tạo hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là di sản có giá trị vĩnh hằng đối với dân tộc Việt Nam.

Có thể coi ngày 5/6/1911 là mở đầu tiến trình hội nhập quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì và sáng tạo học tập, nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận, vận dụng và phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa-văn minh nhân loại nhằm tìm ra con đường đi lên cho dân tộc. Nhưng giá trị sâu sắc của con đường ấy còn ở chỗ nó không chỉ nhằm mục tiêu giải phóng và đem lại tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam mà còn góp phần cùng các dân tộc đấu tranh loại trừ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người.

Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nghiệp văn hóa-văn minh, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu giải phóng với phát triển và hoàn thiện con người. Sự sâu sắc, giá trị cao cả của cuộc cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt, thực hiện ở nước ta là ở chỗ làm cho con người Việt Nam tự đứng lên giải phóng bằng chính sự phát triển và hoàn thiện của mình.

Lấy thống nhất thay vì loại trừ và bằng sự giác ngộ để đoàn kết toàn dân nhằm đem sức ta giải phóng cho ta, không ngừng phát triển văn hóa làm cho nhân dân đồng thuận, tự lực, tự cường trong tranh đấu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới là đường lối và cũng là phương pháp cách mạng mang đậm tính văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thực hiện ở Việt Nam.

Giải phóng dân tộc, giải phóng con người bằng sự phát triển và hoàn thiện con người là căn nguyên làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong lịch sử hiện đại. Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, nhân cách cho toàn dân đi đôi với mở cửa tiếp thu văn hóa-văn minh nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam phải “là đạo đức, là văn minh”. Cũng chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc của người cách mạng và Người là một tấm gương ngời sáng về đạo đức, văn minh.

Ngày 5/6/1911, không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là sự kiện mở ra tiến trình Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa-văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc với quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp (cả lực, thế, thời) đưa tới những thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng tiến bộ.

Kiên trì con đường cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra không chỉ là kiên trì mục tiêu con người Việt Nam phải được sống trong không gian sinh tồn Độc lập của dân tộc mình mà còn phải được tự do-hạnh phúc trong một xã hội tiến bộ, văn minh của chủ nghĩa xã hội.

Kiên trì con đường với mục tiêu đó cũng chính là giữ vững những nhân tố (thiên thời-địa lợi-nhân hòa), bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới để đất nước (có lực, thế, thời mới) tiếp tục tiến bước mạnh mẽ nhằm hoàn thiện những mục tiêu vì dân tộc, vì con người Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với các giá trị đó, sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và con đường cách mạng mà người đem lại cho dân tộc càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Kiên trì con đường cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, với đường lối đổi mới của Đảng, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng là tiếp tục quá trình dân tộc ta đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới nhằm tiếp nhận các giá trị văn hóa-văn minh nhân loại, nắm bắt xu thế phát triển của thời đại để tiến hành thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam.

Chúng ta không chỉ nắm vững thế giới quan, phương pháp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm đường cứu nước, mà còn phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo của Người để xây dựng đường lối và chỉ đạo thực tiễn phù hợp với sự vận động của tình hình đất nước và quan hệ quốc tế mới. Chỉ có như vậy mới giải quyết tốt các mối quan hệ dân tộc-giai cấp, quốc gia-quốc tế, dân tộc-thời đại, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, liên tục tạo lập lực-thế-thời mới mạnh mẽ để đưa đất nước phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu vì dân tộc và con người của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

PGS, TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Nguồn: nhandan.vn