Quân đoàn 3 thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”

12/9/2019 8:42:22 AM

Là đơn vị chủ lực, đứng chân trên địa bàn chiến lược trọng yếu Tây Nguyên, Quân đoàn 3 luôn tích cực thực hiện tốt chức năng: “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác”; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Đội quân chiến đấu

Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn luôn xác định: nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Căn cứ vào mệnh lệnh, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Bộ Quốc phòng về công tác sẵn sàng chiến đấu, Quân đoàn đã chủ động nghiên cứu thực địa, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quyết tâm, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu sát với yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn khu vực tác chiến; tổ chức giao nhiệm vụ, thông qua quyết tâm, kế hoạch, hiệp đồng để chỉ huy cơ quan, đơn vị nắm chắc nhiệm vụ và điều chỉnh, bổ sung các phương án ngay tại thực địa; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, diễn tập với luyện tập chuyển trạng thái, luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chú trọng đổi mới luyện tập, diễn tập; kết hợp giữa nội dung chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong diễn tập, luyện tập chiến dịch với cơ động lực lượng, phương tiện ra khu sơ tán, khu tập trung bí mật để đánh giá thực chất trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành của chỉ huy, cơ quan, đơn vị, cũng như khả năng cơ động của bộ đội và phương tiện. Chủ động kiện toàn quân số, vũ khí trang bị, phương tiện cho các phương án; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị quan trọng, thời điểm nhạy cảm, không để bị động, bất ngờ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đứng chân trên địa bàn xử lý các tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng, thế trận an ninh ngày càng vững chắc; tích cực tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Nhờ đó, trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đoàn được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ.

Hằng năm, trên cơ sở Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng và tình hình thực tiễn, Quân đoàn kịp thời ra mệnh lệnh huấn luyện; chủ động điều chỉnh quân số, tổ chức biên chế; chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, nghiêm túc. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Quân đoàn chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác này; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên trong thời bình, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, do người chỉ huy trực tiếp quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước cấp ủy và người chỉ huy cấp trên. Kiên quyết đấu tranh với “bệnh thành tích” trong huấn luyện; khắc phục tư tưởng chủ quan, khoán trắng, ngại khó, ngại khổ, hạ thấp yêu cầu, bớt xén nội dung, chương trình, quân số, thời gian huấn luyện.

Trước mỗi đợt huấn luyện, cấp ủy các cấp đều ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác này; làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, xây dựng ý chí quyết tâm; kiện toàn khung cán bộ; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Trong huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế, địa bàn tác chiến và vũ khí trang bị trong biên chế. Sau từng khoa mục, từng giai đoạn và kết thúc năm, các cấp tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá thành tích đạt được, lấy kết quả huấn luyện làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, bình xét khen thưởng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Để công tác huấn luyện thành nền nếp, có chất lượng, hiệu quả vững chắc, Quân đoàn tích cực xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, với phương châm “Bám sát bộ đội, bám sát thao trường, giảng đường, tất cả vì chất lượng huấn luyện bộ đội”. Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình từ huấn luyện chiến sĩ mới đến huấn luyện chiến dịch, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, chú trọng tính liên thông, kế thừa giữa các khoa mục, tránh dàn trải, trùng lặp, nặng về lý thuyết. Thường xuyên duy trì nền nếp, chất lượng các chế độ công tác tham mưu huấn luyện, trọng tâm là chế độ thông qua, phê duyệt giáo án, bồi dưỡng cán bộ; công tác báo cáo, đăng ký, thống kê, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; chế độ kiểm tra, thanh tra cả thường xuyên và đột xuất được thực hiện nghiêm,... đã góp phần quan trọng khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong công tác huấn luyện. Với sự đoàn kết, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, Quân đoàn đã tổ chức huấn luyện toàn diện cho mọi đối tượng, chất lượng huấn luyện qua từng năm được nâng lên rõ rệt, nhiều nội dung đạt giỏi, nhiều đơn vị đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Đội quân công tác

Đóng quân trên địa bàn chiến lược trọng yếu của cả nước, là nơi các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo,... để kích động gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đoàn đặc biệt coi trọng thực hiện chức năng “Đội quân công tác”, nhằm góp phần đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo vào cuộc sống, xây dựng cơ sở chính trị, xã hội vững chắc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc nơi đây vào Đảng, chế độ, Quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, là việc làm để cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ trước đây, cũng như trong xây dựng đơn vị hiện nay.

Với nhận thức đó, những năm qua, Quân đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác này. Công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt đã trở thành nội dung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên trong nghị quyết của cấp ủy các cấp, được cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong phong trào Thi đua Quyết thắng. Từ Đảng ủy Quân đoàn đến từng cấp ủy, chi bộ thực hiện phân công 01 đồng chí cấp ủy viên phụ trách công tác dân vận. Hằng quý, sáu tháng, một năm, các cấp đánh giá thực chất kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với kiểm điểm trách nhiệm đối với từng cấp ủy, chi bộ, cán bộ chủ trì và cá nhân phụ trách. Trong thực hiện, Quân đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và các đơn vị trên địa bàn nghiên cứu, nắm chắc tình hình, làm cơ sở để xác định chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, bảo đảm cụ thể, thiết thực, hướng vào giải quyết những bức xúc của người dân, tháo gỡ những khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đang đặt ra với từng địa phương. Việc làm đó đã khắc phục được tình trạng chung chung, hình thức trong tổ chức thực hiện.

Với những chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, sát với tình hình địa bàn; thông qua nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, như: hành quân dã ngoại thực hiện công tác dân vận, tuyển quân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động kết nghĩa,… cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn đã thực hiện tốt phương châm “3 cùng, 4 bám”1 với đồng bào ở tận những bản làng vùng sâu, biên giới xa xôi, khắc phục mọi khó khăn để tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương. Các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hội nghị trao đổi kinh nghiệm về lựa chọn nguồn, bồi dưỡng phát triển đoàn viên, đảng viên, tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Những đợt công tác xuống xã, phường, bản, làng, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn luôn đóng vai trò nòng cốt để tập hợp và phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong các hoạt động. Trong công tác tuyên truyền, Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức, chú trọng việc nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về tôn giáo, dân tộc; phân tích để họ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn, chiêu bài lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch. Kiên trì, bền bỉ trong thuyết phục, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, không nghe theo lời dụ dỗ, lừa gạt, kích động, tụ tập gây rối, vượt biên trái phép của các phần tử xấu.

Cùng với đó, Quân đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong từng năm, từng giai đoạn để xác định những nội dung trọng tâm, trọng điểm tham gia. Bằng việc miệng nói tay làm, tuyên truyền vận động nhân dân đi đôi với hành động cụ thể giúp đỡ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho nhân dân hiểu việc làm đó thực sự là vì họ, từ đó tự nguyện ủng hộ, học tập, tiếp thu và làm theo. Trong năm 2018 và 2019, thông qua các hoạt động kết nghĩa giữa đơn vị với địa phương; hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; thành lập các tổ đội công tác,... các đơn vị của Quân đoàn đã tuyên truyền cho gần 60 nghìn lượt người; tham gia phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương với hơn 40 nghìn ngày công mỗi năm2. Tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa mới; giúp đồng bào chuyển dịch cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, góp phần từng bước đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, giúp đồng bào xóa bỏ mặc cảm, chủ động vươn lên trong cuộc sống, đời sống văn hóa tinh thần được cải thiện, mê tín dị đoan, hủ tục giảm dần.

Những kết quả trong thực hiện chức năng “Đội quân chiến đấu, đội quân công tác” của Quân đoàn 3 đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thiếu tướng BÙI HUY BIẾT, Chính ủy Quân đoàn
___________

1 - “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm; “4 bám”: bám nghị quyết, bám địa bàn, bám dân, bám công việc.

2 - Giai đoạn 2010 - 2020, các đơn vị trong Quân đoàn đã ký kết tham gia xây dựng nông thôn mới tại 20 xã thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, đến nay đã có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đăng ký hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại 18 xã với hơn 270 hộ.