Mấy vấn đề về máy bay không người lái đối với quốc phòng, an ninh

1/16/2020 4:02:47 PM

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, máy bay không người lái ra đời nhiều phiên bản: từ đơn giản, thô sơ đến hiện đại, tích hợp nhiều tính năng, tác dụng nhằm phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, nó cũng là tác nhân gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh.

Các phương tiện bay không có người lái – gọi chung là máy bay không người lái được thiết kế, chế tạo nhiều kiểu loại từ đơn giản, thô sơ, siêu nhỏ, đến loại lớn, hiện đại, tàng hình, trang bị đủ các loại máy móc,… có thể mang theo cả bom, tên lửa tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Máy bay không người lái có nhiều tính năng, tác dụng và khả năng bay liên tục nhiều giờ, ở mọi độ cao, thậm chí ở độ cao cực thấp vài chục mét và cả trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, v.v. Vì thế, hiện nay, cũng như tương lai, máy bay không người lái sẽ được sử dụng rộng rãi cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Trong lĩnh vực quân sự, máy bay không người lái được sử dụng phổ biến cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát, tấn công các mục tiêu mặt đất (công trình phòng thủ, trận địa phòng không, sân bay, các loại xe cơ giới, xe tăng, thiết giáp,... có thể nhận lệnh tiêu diệt một con người cụ thể), mặt nước, chống ngầm, làm mồi bẫy; truyền, phát thông tin trên không, dẫn đường, điều khiển bom, tên lửa, v.v. Đối với lĩnh vực dân sự, máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, v.v. Máy bay không người lái còn được sử dụng để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; đo và giám sát mức độ nhiễm xạ không khí, sức mạnh của bão; giám sát an ninh, giao thông, hỏa hoạn; du lịch, thể thao, thương mại, v.v.

Tuy nhiên, ngoài những tác dụng tích cực rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, máy bay không người lái còn là nhân tố gây ra nhiều mối đe dọa đến quốc phòng, an ninh của quốc gia. Lợi dụng tính năng, tác dụng và sự quản lý lỏng lẻo, cũng như việc dễ dàng chế tạo, lắp ráp và sử dụng, một số nước, tổ chức phản động, phiến quân đã, đang và sẽ sử dụng máy bay không người lái đột nhập đường không, không loại trừ khả năng xuất hiện ngay trong nội địa để tấn công mục tiêu, thả truyền đơn, gây nổ; mang, thả vi-rút, dịch bệnh,... vào nơi tụ tập đông người, như: lễ hội, họp chợ, mít tinh, biểu tình, trường học, nguồn nước, có thể cả ở những khu vực cấm bay,… làm mất an toàn hàng không, lưới điện quốc gia,… gây hoang mang dân chúng. Điển hình gần đây nhất, máy bay không người lái đã đánh bom chính xác vào 2 kho dầu của Arab Saudi (14-9-2019), bắn tên lửa tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani Tư lệnh đặc nhiệm thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) (ngày 03-01-2020) ngay tại sân bay Baghdad, Iraq.

Để ngăn chặn, phòng, chống những tác động tiêu cực của máy bay không người lái đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc vùng trời, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau.

Một là, tăng cường công tác quản lý, điều hành và giám sát mọi hoạt động liên quan đến máy bay không người lái. Thực tế, công tác này đã và đang diễn ra rất phức tạp cả trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, kinh doanh và hoạt động bay, v.v. Nhiều nước, trong đó hầu hết các nước có nền công nghiệp phát triển, đều đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất máy bay không người lái, một tổ chức, cá nhân cũng có thể nghiên cứu, ứng dụng, lắp ráp một số phiên bản máy bay không người lái từ các linh kiện, vật tư trôi nổi trên thị trường. Như vậy, mọi hoạt động liên quan đến máy bay không người lái đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quốc phòng, an ninh cả mặt tích cực và tiêu cực. Vấn đề đặt ra trước hết là, cần phải tăng cường công tác quản lý mọi hoạt động liên quan đến loại máy bay này, như: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, kinh doanh, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo,… và các hoạt động bay. Các cơ quan, bộ, ngành có liên quan cần phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Nhà nước ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm quản lý tốt mọi hoạt động liên quan đến máy bay không người lái. Các lực lượng liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu; xuất cảnh, nhập cảnh, nói chung là liên quan đến vấn đề hải quan cần nắm chắc nghiệp vụ, có chuyên môn chuyên sâu về lĩnh vực này để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn không để sót, lọt qua cửa khẩu. Bộ Quốc phòng – cơ quan duy nhất quản lý mọi hoạt động bay, được quyền cấp phép bay đối với loại máy bay này. Đối với các cơ quan, đơn vị, lực lượng hoạt động liên quan đến máy bay không người lái và sử dụng máy bay không người lái phục vụ mục đích của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, nhất thiết phải xin phép và được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng. Thực hiện tốt vấn đề này, nhằm quản lý chặt chẽ vùng trời, bảo đảm an ninh mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là an toàn hàng không, không tạo kẽ hở để các thế lực lợi dụng, sử dụng máy bay không người lái vào các mục đích tiêu cực.

Hai là, thiết lập hệ thống trinh sát khép kín, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều thành phần, phương tiện, kịp thời phát hiện, quản lý, xử lý hiệu quả mọi hoạt động của máy bay không người lái. Hiện nay, do đòi hỏi của cuộc sống, các ngành, nghề, lĩnh vực và tổ chức đều có xu hướng sử dụng máy bay không người lái vào mục đích của mình, vì rất thuận lợi, hiệu quả, chi phí thấp, nhanh, an toàn. Lợi dụng vấn đề đó, các thế lực thù địch dễ dàng phóng, thả, điều khiển máy bay không người lái đột nhập vào nước ta từ nhiều hướng: biển, qua biên giới đất liền, thậm chí xuất hiện ngay trong nội địa, gần khu vực sân bay, khu vực cấm bay, đe dọa trực tiếp đến an ninh hàng không. Để quản lý chặt chẽ bầu trời Tổ quốc 24/24 giờ cần phải tổ chức lực lượng trinh sát đủ mạnh, gồm: vô tuyến điện - ra-đa (cả chủ động và thụ động); quang học (gồm các thiết bị: nhìn ban ngày, khuếch đại ánh sáng mờ, nhìn đêm); kỹ thuật vô tuyến điện và trinh sát đường không, v.v. Đồng thời, coi trọng triển khai lực lượng trinh sát mắt của các quân khu, quân đoàn, binh chủng, quân chủng,… đặc biệt là lực lượng trinh sát mắt của Bộ đội Biên phòng, nhằm bổ trợ cho lực lượng trinh sát vô tuyến điện của Quân chủng Phòng không – Không quân ở những vùng lõm, vùng mù do địa hình gây ra, tạo thành hệ thống trinh sát quốc gia nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều thành phần, phương tiện, khép kín, bảo đảm phát hiện kịp thời máy bay không người lái ở bất cứ vị trí nào trong không phận quốc gia. Khi tổ chức lực lượng trinh sát, chú trọng lực lượng toàn dân, bởi lẽ “tai, mắt” nhân dân có ở khắp mọi nơi, do vậy việc phát hiện máy bay không người lái không những bằng “thị giác” mà còn bằng cả “thính giác” của nhân dân, bảo đảm phát hiện máy bay không người lái mọi lúc, mọi nơi, cả trong thời điểm chúng đang ở địa điểm bí mật làm mọi công tác chuẩn bị: lắp ráp, gắn các thiết bị, bom, tên lửa, thuốc nổ, vi-rút, vi trùng… - điều kiện tiên quyết để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả trước khi máy bay không người lái hoàn thành nhiệm vụ.

Ba là, tích cực huấn luyện các lực lượng phòng không ba thứ quân, lực lượng phòng không nhân dân (dân quân tự vệ). Nghiên cứu kỹ các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây, một số cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới và đặc biệt là các cuộc tấn công của máy bay không người lái những ngày vừa qua cho thấy, việc phát hiện và tiêu diệt máy bay không người lái gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần phải kịp thời huấn luyện cho các lực lượng nói chung, nhất là lực lượng phòng không quốc gia nói riêng nắm chắc các kiểu loại máy bay không người lái hiện có trên thế giới; tính năng, tác dụng và thủ đoạn hoạt động của chúng, v.v. Việc huấn luyện cần phải được duy trì thường xuyên, kịp thời và đồng bộ; chú trọng các đơn vị trinh sát, hỏa lực phòng không. Tổ chức huấn luyện, diễn tập cho các đơn vị phòng không, coi trọng lực lượng súng, pháo phòng không, tên lửa tầm thấp bắn máy bay không người lái bay thấp, loại nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, bắn đêm, bắn trong điều kiện chuẩn bị gấp, bắn nhanh, v.v. Trong điều kiện tác chiến mới, huấn luyện, diễn tập lực lượng phòng không ba thứ quân; tập trung huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, lực lượng chống khủng bố. Để đạt chất lượng, hiệu quả, ngay trong thời bình, cần phải tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp, chương trình, nội dung huấn luyện phù hợp với điều kiện tác chiến mới, trên cơ sở thường xuyên nắm chắc các thông tin hoạt động của các đối tượng, lực lượng phản động và các nhóm, tổ chức khủng bố ở cả quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc sự thay đổi và phát triển phương thức tác chiến tiến công đường không; phương pháp tiến hành các cuộc tấn công; biện pháp, thủ đoạn của các đối tượng, lực lượng, tổ chức phản động sử dụng máy bay không người lái.

Bốn là, tích cực cải tiến, mua sắm vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Hiện nay, trên thế giới xuất hiện nhiều loại máy bay không người lái thế hệ mới, trong đó có cả máy bay không người lái siêu nhỏ, tàng hình. Để giải bài toán này, thời gian tới cần trang bị các loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại cho lực lượng phòng không ba thứ quân, nhất là lực lượng phòng không quốc gia là vô cùng cần thiết, tạo cơ sở, nền tảng vật chất cần thiết phát triển cách đánh của lực lượng Phòng không - Không quân phù hợp với chiến tranh hiện đại, đảm bảo đối phó hiệu quả với các loại hình chiến tranh truyền thống và phi truyền thống. Trong chiến tranh hiện đại, đối phương sẽ sử dụng máy bay không người lái bay chiếc lẻ, tốp nhỏ đột nhập đánh phá, hơn thế, chúng có thể bay “bầy đàn” vào đánh phá đồng loạt các mục tiêu. Đối với nước ta, mặc dù gần đây vũ khí, khí tài của lực lượng phòng không ba thứ quân liên tục được cải tiến, mua mới có tính cơ động, độ chính xác cao, nhưng khả năng phát hiện, bắt, bám và tiêu diệt mục tiêu có kích thước siêu nhỏ, bay ở độ cao cực thấp, tàng hình vẫn còn hạn chế. Thực tiễn chiến tranh cho thấy, khi có sự chênh lệch lớn về vũ khí, trang bị, kỹ thuật sẽ khó tạo được thế và lực có lợi để giành thắng lợi. Bởi thế, giải pháp cải tiến, từng bước mua sắm vũ khí, trang bị khí tài mới, hiện đại không chỉ nhằm mục đích, tiền đề cơ sở vật chất cần thiết để phát triển cách đánh, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức và thực hiện cách đánh của lực lượng Phòng không - Không quân, mà còn nhằm từng bước giảm sự chênh lệch về chất lượng vũ khí, khí tài, trang bị phòng không của ta so với sự phát triển máy bay không người lái trên thế giới,... đảm bảo cho các lực lượng có đủ mọi loại vũ khí, sức mạnh chiến đấu và khả năng cần thiết sẵn sàng đánh thắng hình thức tác chiến này.

Năm là, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, rộng khắp, liên hoàn, kịp thời phát hiện và sẵn sàng tiêu diệt máy bay không người lái trong mọi tình huống. Chuẩn bị tốt thế trận cho các đơn vị phòng không ngay từ thời bình là một giải pháp quan trọng vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài để sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Trong đó, thế trận đánh máy bay không người lái phải gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng không trong các khu vực phòng thủ, vừa tạo lợi thế chủ động đánh địch từ xa đến gần, vừa đánh rộng khắp, vừa có thể đánh tập trung khi cần thiết, vừa có thể phòng tránh, bảo toàn lực lượng và cùng các lực lượng trên mặt trận đối không bắn rơi tại chỗ máy bay không người lái, tiêu diệt lớn quân địch khi có thời cơ, tiến tới đánh bại tiến công đường không, bảo vệ vững chắc mục tiêu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với thế trận phòng không đánh máy bay không người lái của các lực lượng, nhất là các đơn vị phòng không, lực lượng súng, pháo phòng không, tên lửa tầm thấp phải có tính cơ động cao, có thể chuyển hóa linh hoạt trong tác chiến. Để chuẩn bị tốt thế trận phòng không cho các đơn vị này, cần phải có kế hoạch tổng thể về thiết bị chiến trường, kế hoạch xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, như: hệ thống giao thông: đường, cầu, phà, ngầm, bến cảng; hệ thống kho chiến lược, chiến dịch; hệ thống trận địa: cơ bản, dã chiến, dự bị, nghi binh cùng với hệ thống trạm, xưởng và các công trình sơ tán, cất giấu phương tiện, lực lượng dự bị.

Đại tá ĐỖ HẢI ÂU