Hoạt động của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trên địa bàn Quân khu 7 – một số vấn đề rút ra

12/17/2019 2:11:18 PM

Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh là tổ chức lâm thời, được thành lập và có nhiệm vụ giúp tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh khi địa phương chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Do đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương trong giai đoạn này.

Lực lượng quân sự và công an thực hiện giải thoát con tin trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bình Thuận (2019)

Quân khu 7 là địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước. Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tình huống phải chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng có thể xảy ra. Nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn Quân khu thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ; trong đó, nội dung chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, nhất là vận hành hoạt động của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp) được chú trọng thực hiện. Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều biện pháp kiện toàn tổ chức, thống nhất chức năng, nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế, quy chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, đó là: cơ cấu, thành phần Ban chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng chưa thống nhất; công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, thiếu linh hoạt; vai trò của một số thành viên Ban Chỉ huy chưa được phát huy đầy đủ, v.v. Từ thực tiễn đó, để Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh hoạt động đạt hiệu quả cao, theo chúng tôi cần chú trọng một số vấn đề sau:

Trước hết, kiện toàn Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng đúng cơ cấu, thành phần, hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Theo Luật Quốc phòng, khi có quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng trên địa bàn cấp tỉnh, thừa lệnh của Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng để thống nhất chỉ huy, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Theo quy định, Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Trưởng ban); Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (Phó trưởng ban). Các ủy viên: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự; Giám đốc Công an; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (nếu có); Chính ủy, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng quyết định bổ sung các thành phần để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh phải tổ chức thực hiện các quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh, chỉ lệnh của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng của cấp trên và kế hoạch phòng thủ khu vực đã được phê chuẩn. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển lực lượng vũ trang địa phương lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, chuyển địa phương vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp cấp tỉnh phải thường xuyên nắm chắc tình hình; chủ động đề xuất, tham mưu cho tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo chuyển địa phương vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng. Đồng thời, trực tiếp điều hành, chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các lực lượng, địa phương. Quá trình hoạt động, chú trọng phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ huy, nhất là đại diện cơ quan quân sự, công an trong nắm, đánh giá, kết luận tình hình địch, tình hình địa bàn, tham mưu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; chủ trì phối hợp các lực lượng xử lý tình huống quốc phòng, an ninh; chỉ huy lực lượng vũ trang triển khai thực hiện các nội dung khi chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và hướng dẫn, giúp đỡ các sở, ngành thực hiện. Trong giai đoạn này, Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp phải tham mưu, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiều nội dung; trong đó, có thể thực hiện các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (thiết quân luật, giới nghiêm) phải đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, v.v.  

Hai là, chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Khi địa phương chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, cùng với nguy cơ đe dọa của cuộc tiến công quân sự từ bên ngoài, lực lượng phản động trên địa bàn cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động nhân dân biểu tình, gây bạo loạn lật đổ, tuyên truyền xuyên tạc,… làm cho tình hình an ninh chính trị,  trật tự, an toàn xã hội trở nên phức tạp. Đây cũng là thủ đoạn tạo cớ để các thế lực thù địch nước ngoài tiến hành xâm lược. Vì vậy, công tác này đặc biệt quan trọng và cấp thiết, bảo đảm cho mọi tổ chức và nhân dân nắm rõ pháp luật, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để tự giác chấp hành. Theo đó, Ban Chỉ huy cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành các cơ quan, đoàn thể, địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là khi thực hiện các biện pháp đặc biệt trong thiết quân luật và giới nghiêm. Nội dung tuyên truyền đi sâu vào phản bác, đấu tranh những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước, địa phương mà các thế lực thù địch đang lợi dụng kích động, lôi kéo quần chúng, nhân dân. Đồng thời, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trách nhiệm công dân; tuyên truyền thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Qua đó, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, vai trò quản lý điều hành của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp đấu tranh đập tan các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Lực lượng dân quân tham gia xử lý tình huống về an ninh chính trị trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Đồng Nai (2019)

Ba là, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng xử trí có hiệu quả các tình huống về quốc phòng và an ninh. Ban Chỉ huy phải luôn chủ động, linh hoạt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đánh giá đúng tình hình và dự kiến chính xác các tình huống có thể xẩy ra, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo, điều hành, phối hợp tốt giữa các tổ chức, lực lượng, nhất là phối hợp giữa bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ và công an với lực lượng các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương trong chủ động xử lý, giải quyết dứt điểm các tình huống phức tạp nảy sinh (khiếu kiện đông người, biểu tình, gây rối, bạo loạn) trên địa bàn, tuyệt đối không để tình hình thêm phức tạp, lan rộng, kéo dài hoặc địch lợi dụng để chống phá. Trong đó, lấy biện pháp phi quân sự là chủ yếu, chỉ sử dụng biện pháp quân sự khi thật sự cần thiết. Các đoàn thể chính trị - xã hội sử dụng lực lượng chính trị nòng cốt của mình với số lượng thích hợp để tuyên truyền, giải thích, phân tán và làm cô lập lực lượng phản động với quần chúng nhân dân. Sử dụng phương tiện thông tin, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền giúp quần chúng phân định đúng, sai, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh vạch rõ những luận điệu sai trái, âm mưu hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch. Lực lượng vũ trang tập trung làm nhiệm vụ, tuần tra canh gác bảo vệ mục tiêu, giải tán biểu tình; trấn áp bạo loạn, khủng bố, giải thoát con tin bằng các biện pháp nghiệp vụ. Các khu vực có bạo loạn vũ trang, lực lượng vũ trang đóng vai trò chủ yếu, làm nhiệm vụ trấn áp, bắt giữ, xử lý những kẻ cầm đầu, quá khích. Các lực lượng chính trị nòng cốt hình thành các tổ, trà trộn vào các nhóm gây rối, biểu tình, bạo loạn; phân hóa tách số quần chúng bị kích động ra khỏi khu vực xảy ra bạo loạn. Quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng chính trị phải được hỗ trợ, bảo vệ trực tiếp của lực lượng vũ trang và phải được rút ra ngoài trước khi lực lượng vũ trang tiến hành thực hiện các biện pháp trấn áp bạo loạn.

Bốn là, khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tình hình địa bàn. Đây là một nội dung rất quan trọng nhằm nhanh chóng ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng tiếp tục làm cho tình hình thêm phức tạp. Ban Chỉ huy chỉ đạo các cơ quan pháp luật tiến hành điều tra, củng cố chứng cứ, khẩn trương đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu, phản động, cơ hội chính trị, các phần tử bất mãn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những quần chúng nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng thì tùy theo mức độ để tuyên truyền, giáo dục, xử phạt vi phạm hành chính. Các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, chính quyền cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động để định hướng tư tưởng nhân dân; nắm tình hình, phát hiện âm mưu, thủ đoạn mới, không để các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn nội tại, khắc phục hậu quả về người, phương tiện, vật chất bị thiệt hại; giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật; duy trì sản xuất và các  hoạt động đời sống - xã hội, nhanh chóng ổn định địa bàn. Sau đó, tiến hành rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện và điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch những nội dung còn thiếu, mới khi chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng cấp tỉnh đã được thực hiện trong diễn tập; nếu xảy ra tình huống thật thì khối lượng công tác sẽ rất lớn và tình hình sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Vì vậy, để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đại tá, TS. LÊ HỒNG ĐiỆP, Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7