Giải pháp nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật ở cấp quân đoàn

5/27/2021 8:04:18 AM

Hiện nay, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân đoàn đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp, vật tư thay thế khan hiếm, mà nhiệm vụ đòi hỏi ngày một cao. Do vậy, việc sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần trực tiếp nâng cao sức cơ động, bảo đảm cho quân đoàn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Vì thế, nghiên cứu nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật ở quân đoàn là hết sức cần thiết.

Thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”1, những năm gần đây, các cơ sở sửa chữa, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cấp quân đoàn đã được Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, nâng cấp đáng kể, cả về hệ thống cơ sở kỹ thuật, tổ chức, biên chế,… đáp ứng cơ bản yêu cầu sửa chữa các loại vũ khí, trang thiết bị hiện có, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các quân đoàn. Mặc dù, công tác kỹ thuật thời gian qua đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, nhưng bên cạnh đó cũng gặp không ít khó khăn do phần lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế của các quân đoàn là thế hệ cũ, đã sử dụng nhiều năm, hệ số kỹ thuật thiếu ổn định, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ lớn. Trong khi đó, tổ chức, lực lượng kỹ thuật và năng lực của hệ thống trang thiết bị phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng có mặt chưa theo kịp sự phát triển nhiệm vụ; ngân sách bảo đảm, vật tư, phụ tùng có hạn, v.v. Vì vậy, để nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cơ động, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đoàn cần tiến hành kiên quyết, đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, tập trung kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các cơ sở sửa chữa đủ về số lượng, cân đối về chuyên ngành và có chất lượng cao. Đây là nội dung then chốt, quyết định đến hiệu quả, chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật ở đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm bảo đảm nguồn nhân lực về kỹ thuật cho quân đoàn đến năm 2025 và những năm tiếp theo theo hướng hiện đại, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại theo tiến trình xây dựng Quân đội hiện đại từ năm 2030. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chuyên trách cần phối hợp với các cơ quan chức năng cấp trên tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ của từng tiêu chuẩn chức danh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, gắn quy hoạch, đào tạo với bố trí, sử dụng chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, phù hợp với trình độ năng lực của từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, bảo đảm cân đối, đồng bộ trong toàn đơn vị. Để đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải coi trọng cả phẩm chất, năng lực và thực tiễn công tác; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng nhiều kinh nghiệm với cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực, trình độ vào các vị trí chỉ huy, quản lý công tác kỹ thuật, tạo tính kế thừa, liên tục, nhất là các vị trí cán bộ đại đội, trung đội, trợ lý tham mưu - kế hoạch, tổ trưởng tổ sửa chữa, v.v. Ngành kỹ thuật và các đơn vị cần có kế hoạch tăng cường kỹ sư trẻ, mới ra trường xuống các đơn vị chiến đấu để trải nghiệm thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm; đồng thời, chủ động rà soát, đề nghị cấp trên bổ sung các chức danh chuyên ngành còn thiếu, phù hợp với đặc trưng công nghệ của vũ khí, khí tài mới ở đơn vị.

Cùng với quy hoạch, bố trí, sử dụng nhân lực, các đơn vị sửa chữa duy trì nghiêm nền nếp, nâng cao chất lượng công tác tập huấn, huấn luyện kỹ thuật. Quá trình thực hiện, phải bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện; kết hợp hài hòa giữa huấn luyện toàn diện với chuyên sâu; tích cực cập nhật kiến thức mới về sửa chữa, bảo dưỡng, đồng bộ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Với đội ngũ cán bộ đại đội, trung đội, đi sâu bồi dưỡng về phương pháp, tác phong chỉ huy, khả năng tổ chức, điều hành hoạt động sửa chữa của phân đội theo quy trình công tác kỹ thuật chuyên ngành. Với đội ngũ trợ lý, tập trung huấn luyện trình độ chuyên môn, năng lực tổng hợp và phương pháp tham mưu cho chỉ huy. Với lực lượng nhân viên kỹ thuật, tăng cường huấn luyện những ngành nghề còn thiếu và yếu, như: sửa chữa các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật thế hệ mới, khả năng sửa chữa cơ động trong điều kiện khắc nghiệt. Đồng thời, coi trọng tổ chức diễn tập, nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các cơ sở sửa chữa, nhất là trình độ, năng lực chỉ huy, tổ chức cơ động bảo đảm, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật trong tác chiến.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng chính quy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý sửa chữa. Để đảm bảo hệ số kỹ thuật, hệ số sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị kỹ thuật quân đoàn,… đòi hỏi từng công đoạn, quy trình sửa chữa phải được quản lý chặt chẽ với các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định từng chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Thực hiện vấn đề này, các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là các cơ sở sửa chữa phải đẩy mạnh xây dựng chính quy, thống nhất, khoa học trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Trước mắt, cần rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, văn bản hướng dẫn công tác sửa chữa; chuẩn hóa hệ thống quy chế, quy trình công nghệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật theo chuyên ngành; nội quy khu kỹ thuật,… phù hợp với điều kiện của đơn vị. Trong xây dựng kế hoạch sửa chữa cần đáp ứng yêu cầu về tiết kiệm nhân công, năng lượng, vật tư sửa chữa; phải phân tích chi tiết công việc, quy trình công nghệ sửa chữa cho từng chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; tính toán định mức kinh tế - kỹ thuật cho các nội dung (giờ công, loại thợ, bậc thợ, máy móc, nguyên vật liệu, năng lượng,...); đẩy mạnh ứng dụng phần mềm hiện đại2 để tối ưu hóa kế hoạch sửa chữa. Quá trình chỉ huy, điều độ kế hoạch sửa chữa phải khoa học, kịp thời; duy trì nghiêm quy trình công nghệ: phiếu, lệnh sửa chữa, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, v.v.

Cùng với đó, công tác quản lý chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật cần được tiến hành thường xuyên, nhằm đánh giá thực chất, hiệu quả sửa chữa trong từng công đoạn. Với vũ khí, trang bị đưa vào sửa chữa cần kiểm tra chặt chẽ lý lịch hoạt động, các cụm, chi tiết, thông số kỹ thuật cần hiệu chỉnh, sửa chữa hoặc thay thế; vũ khí, trang bị kỹ thuật sau sửa chữa cần được kiểm định trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm chuyên ngành quy định; thường xuyên trao đổi với các đơn vị để nắm thông tin phản hồi về tình trạng kỹ thuật, độ tin cậy của vũ khí, trang bị kỹ thuật sau sửa chữa, làm cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Ba là, đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn vật tư phục vụ sửa chữa. Đây là giải pháp quan trọng, trực tiếp quyết định năng suất lao động, chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Ngành kỹ thuật cùng các cơ sở sửa chữa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá thực chất khả năng sản xuất, sửa chữa, đồng bộ của hệ thống trang thiết bị hiện tại và nhu cầu sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị; kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp trên các phương án đầu tư, đổi mới hệ thống trang thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sửa chữa trước mắt và lâu dài. Quá trình đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu sửa chữa thực tế của đơn vị. Trang thiết bị mới phải vừa kết hợp được với các trang bị hiện có, vừa có tính đến hướng phát triển của nhiệm vụ; ưu tiên các trang thiết bị có độ chính xác, tin cậy cao, phù hợp với trình độ công nghệ và có tính vạn năng, đảm bảo sản xuất được nhiều mặt hàng có tính chất đặc chủng của các chuyên ngành, sử dụng được lâu dài cho công tác sửa chữa tổng hợp ở quân đoàn, v.v. Trước mắt, các cơ sở sửa chữa của quân đoàn cần được đầu tư các trang thiết bị CNC (Computer Numerical Control) vạn năng. Trong đó, các đơn vị gia công cơ khí cần trang bị các loại máy hiện đại thay thế các máy gia công cơ khí thủ công; các đơn vị sửa chữa xe - máy cần đầu tư một số trang thiết bị đo kiểm, sửa chữa hiện đại, như: thiết bị kiểm tra hộp đen, cân bằng bánh xe, buồng pha sơn vi tính, nhà sơn tĩnh điện, v.v. Bên cạnh đó, cần đầu tư bổ sung các trang, thiết bị đo kiểm nhỏ, gọn, có khả năng tích hợp lên các xe công trình đóng mới hoặc tận dụng các xe tải có sẵn (ứng dụng kết quả nghiên cứu của Viện bảo đảm Kỹ thuật/Tổng cục Kỹ thuật) để nâng cao khả năng sửa chữa cơ động các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật của quân đoàn.

Trước tình hình vật tư, linh kiện thay thế khan hiếm, chưa đáp ứng được yêu cầu, các đơn vị sửa chữa cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trong đó, tập trung nghiên cứu, khai thác nguồn vật tư tương đương trên thị trường; liên kết, hợp tác với các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sửa chữa trong và ngoài quân đội để sản xuất các loại vật tư kỹ thuật; đồng thời, thường xuyên quản lý chặt chẽ nguồn vật tư hiện có của đơn vị, tính toán, thống kê những vật tư, linh kiện có tần suất hỏng hóc lớn, vật tư đặc chủng, quý hiếm. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung nguồn vật tư dự phòng; xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về sản xuất vật tư, linh kiện kỹ thuật, hướng tới mục tiêu tự chủ, tự lực bảo đảm một số vật tư cần thiết phục vụ sửa chữa.

Các giải pháp trên là tổng thể thống nhất, góp phần nâng cao chất lượng sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các quân đoàn. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

TS. PHẠM ANH TUẤN, Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu
___________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 157 - 158.

2 - Như: Microsoft Project, Wunderlist, Trello, Acheckin, v.v.