Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Một số ý kiến đóng góp về mục X trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng

7/8/2020 2:52:41 PM

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, mục X có tiêu đề: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, là một mục lớn, có nội hàm rộng, đề cập về một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam - Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - do đó rất quan trọng. Trong đó, đề cập ba vấn đề lớn: Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Xin nêu mấy ý kiến đóng góp theo cách tiếp cận: những nội dung đồng tình, nội dung còn băn khoăn và đề nghị bổ sung.

Trước hết, về mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, Dự thảo xác định: nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cốt lõi là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc”. Đây là nội dung căn bản của mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, hơn thế còn là mục tiêu trọng yếu, nên cần được nêu trong Dự thảo là phù hợp, nhằm quán triệt cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức rõ và sâu sắc hơn, từ đó quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để đạt cho kỳ được mục tiêu đã xác định. Và để làm được điều đó, Dự thảo một lần nữa khẳng định: “phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đồng thời kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế”. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đó là nội dung cốt yếu của mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh và đã trở thành quan điểm cơ bản của Đảng, vì vậy Dự thảo nhấn mạnh nội dung này còn nhằm thể hiện rõ quan điểm, chủ trương, lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, an ninh của đất nước chỉ với mục đích duy nhất là tự vệ - bảo vệ Tổ quốc, ngoài ra không có mục đích nào khác, không nhằm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với bất cứ quốc gia nào. Không những thế còn góp phần tích cực giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Bởi, quốc phòng của nước ta có mạnh thì việc góp phần giữ vững môi trường hòa bình mới hiệu quả, còn nếu quốc phòng không mạnh thì dù chúng ta có muốn đóng góp cũng sẽ hạn chế.

Dự thảo nhấn mạnh mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc nhằm: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ở đây có nội dung mới, đó là “an ninh con người”. Nêu như vậy là đúng và rất cần thiết. Vì, bảo vệ phải gắn với xây dựng, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ, không chỉ là bài học quý báu của cách mạng Việt Nam, mà hơn thế còn là quy luật trường tồn của dân tộc ta. Mục tiêu của bảo vệ là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và phát triển đất nước nhanh, bền vững sẽ tác động trở lại tạo cơ sở cho bảo vệ tốt hơn. Đó là mối quan hệ biện chứng, gắn chặt với nhau. Đồng thời, khẳng định rõ phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cần thiết, bởi đây là vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện rõ định hướng phát triển, tránh bị chệch hướng. Một điểm nữa là, cùng với việc xác định mục tiêu giữ vững “an ninh quốc gia”, Dự thảo còn nêu “an ninh con người”. Vì con người là trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước, đồng thời nó thể hiện sâu sắc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta và quan điểm “do con người, vì con người” của Đảng, Nhà nước ta. Như vậy, chúng ta thấy mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được đề cập rõ, nội dung khá toàn diện, nêu bật được những điểm căn bản, quan trọng. Tuy nhiên, có một điểm cần cân nhắc thêm là “an ninh mạng” và xem có nên bổ sung cụm từ này vào Dự thảo không? Trên thực tế, cuộc Cách mạng công nghệp lần thứ tư đang và sẽ tác động rất mạnh mẽ đối với nước ta, cũng như toàn cầu. Vấn đề đảm bảo “an ninh mạng” rất quan trọng, liên quan và tác động trực tiếp đến sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nếu đảm bảo “an ninh mạng” không tốt thì sẽ ảnh hưởng xấu tới an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hóa, v.v. Nhận thức rõ điều đó, đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Vậy nên bổ sung cụm từ “an ninh mạng” vào mục X của Dự thảo.

Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta thấy, vấn đề này chiếm dung lượng lớn của mục X Dự thảo Báo cáo Chính trị. Trong đó, những nội dung lớn, quan trọng cần tập trung đề cập đều được thể hiện rõ. Cụ thể, Dự thảo tiếp tục khẳng định tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt, Quân đội và Công an giữ vai trò nòng cốt của nòng cốt. Để đáp ứng yêu cầu đó, phải đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chúng ta biết, Đại hội XII của Đảng mới chỉ xác định: “ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng” còn Dự thảo văn kiện Đại hội kỳ này xác định rõ “tiến thẳng lên hiện đại”. Vấn đề ở đây không phải là sự khác nhau về câu chữ, mà là thể hiện sự phát triển về chất trong định hướng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Cùng với đó, Dự thảo tiếp tục khẳng định: “kiên quyết, kiên trì, đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình”, chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, nhấn mạnh việc tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”. Những vấn đề nêu trên đều là nội dung lớn, quan trọng, hay nói rõ hơn là quan điểm cơ bản của Đảng xuyên suốt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đã được khẳng định nhất quán qua nhiều kỳ Đại hội Đảng. Do đó, việc đề cập những nội dung này trong Dự thảo để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục quán triệt, thấu suốt, thực hiện. Tương tự như vậy là việc khẳng định sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nội dung này có sự phát triển về nội hàm là việc kết hợp đó đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược quốc gia, như: Quốc phòng, An ninh, Đối ngoại,… và trong các lĩnh vực, các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Nói cách khác, cần quán triệt rõ rằng, sự kết hợp đó phải được thể hiện cụ thể trong các chiến lược, mọi lúc, mọi nơi, mọi việc.

Đề cập về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Dự thảo nêu: “có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh”. Cơ chế luôn là vấn đề không thể thiếu. Trước đây, Đảng ta mới chỉ xác định quan điểm, chủ trương huy động nguồn lực thì nay nêu rõ cần có cơ chế huy động. Điều này là đúng và cần thiết, bởi để huy động nguồn lực cho quốc phòng, an ninh hiệu quả thì chủ trương đúng thôi chưa đủ, mà còn phải có cơ chế huy động phù hợp. Thực tế những năm qua, chúng ta đã huy động khá tốt nguồn lực từ địa phương và trong các ngành nhà nước, nhưng huy động nguồn lực xã hội thì còn hạn chế, trong khi nguồn lực này ngày càng lớn do sự phát triển của đất nước. Cho nên, nêu vấn đề này là hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng các nguồn lực trên tựu trung vẫn là nội lực, câu hỏi đặt ra ở đây là có cần đề cập việc tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho xây dựng nguồn lực quốc phòng, an ninh không? Việc làm này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì thế nên đưa vào Dự thảo: kết hợp nội lực với ngoại lực, lấy nội lực là chính, ngoại lực là quan trọng, để xác định rõ vai trò của mỗi nguồn lực.

Nói tới tăng cường quốc phòng, an ninh không thể không đề cập tới công nghiệp quốc phòng, an ninh. Cho nên, việc Dự thảo nêu: “đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng”. Trong nội dung này về mặt quan điểm có điểm mới rất quan trọng thể hiện qua cụm từ “tự chủ, tự cường, hiện đại”, nó phản ánh bước phát triển trong tư duy, lý luận của Đảng ta. Tại các Đại hội Đảng trước, nhất là Đại hội XII, vì nhiều lý do nên chỉ mới đề cập: “đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng”, còn Dự thảo kỳ này đã căn cứ vào tình hình quốc tế và khả năng thực tế của đất nước để bổ sung cụm từ: “tự chủ, tự cường, hiện đại” là rất đúng, đảm bảo tính toàn diện và sự chủ động trong định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Điều rất đáng mừng là, sau nhiều năm nghiên cứu, xây dựng, năm 2018 chúng ta đã hoàn thành và ban hành các chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, Dự thảo nêu rõ phải thực hiện toàn diện và đồng bộ các chiến lược. Các chiến lược này rất quan trọng và là một thể thống nhất, liên quan mật thiết với nhau, tác động trực tiếp đến kết quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi phải thực hiện toàn diện và đồng bộ. Cuối cùng Dự thảo nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nhất là với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Đưa nội dung này vào Dự thảo Báo cáo Chính trị là phù hợp, bởi đó là nguyên tắc và cũng là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Như vậy, mục X Dự thảo Báo cáo Chính trị đã đề cập khá toàn diện và đầy đủ nội dung về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó nêu bật được những nội dung lớn, quan trọng về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp; có một số nội dung lớn là quan điểm nhất quán của Đảng tiếp tục được khẳng định và thể hiện đan xen với những nội dung mới khác. Dự thảo đã bám sát thực tiễn tình hình trong nước, quốc tế, thể hiện rõ quan điểm cơ bản của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, đa số ý kiến tán thành, thống nhất cao với nội dung Dự thảo. Những nội dung còn băn khoăn và một số đề nghị bổ sung đã nêu ở trên là những vấn đề mang tính tham khảo, cân nhắc thêm.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG - Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN THANH*
____________       

* - Trường Sĩ quan Lục quân 1