Phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao

12/5/2019 7:23:44 AM

Biển Việt Nam chứa đựng tiềm năng to lớn. Để biến những tiềm năng đó thành nguồn lực phát triển đất nước, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, “Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển” được xác định là một trong các giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trương ương Đảng (khóa XII).

Thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực biển của nước ta tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, như: nguồn nhân lực biển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, không cân đối về cơ cấu, chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về biển chưa được đầu tư phát triển tương xứng; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, phương tiện, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực biển chưa được chú trọng. Công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển chưa được tổ chức cơ bản, khoa học; việc đào tạo lao động biển chủ yếu theo kiểu cha truyền, con nối, người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau, việc kế tục nghề nghiệp được đa số ngư dân xem như sự mặc định, không thay đổi.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng nguồn nhân lực biển, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nhằm xây dựng nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường; đa dạng hóa công tác đào tạo và mở rộng ngành học về biển; có chế độ đãi ngộ và thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương. Đồng thời, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân. Các địa phương ven biển tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo, dạy nghề cho lao động trong các ngành kinh tế biển trên địa bàn, lồng ghép nội dung phát triển nguồn nhân lực kinh tế biển trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, giảng dạy cho các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực biển; chú trọng mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý, khai thác biển cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, nước ta sẽ sớm có được nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thực sự trở thành nhân tố then chốt trong phát triển kinh tế biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.

Phạm Bình thực hiện