Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Viện Chiến lược Quốc phòng nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

1/11/2021 2:31:41 PM

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao, Viện Chiến lược Quốc phòng đã và đang tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược quốc phòng, quân sự bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Viện Chiến lược Quốc phòng - tiền thân là Viện Chiến lược Quân sự thành lập ngày 11/01/1990, với chức năng, nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu, đề xuất những vấn đề chiến lược quân sự với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Cùng với sự phát triển của đất nước cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 616/QĐ-TTg tổ chức lại Viện Chiến lược Quân sự thành Viện Chiến lược Quốc phòng. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Viện có bước phát triển, trở thành cơ quan nghiên cứu quốc gia về quốc phòng, quân sự, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu, tư vấn những vấn đề về đường lối, chính sách quốc phòng; lý luận, phương hướng phát triển chiến lược quốc phòng, quân sự; tham gia hoạt động đối ngoại quốc phòng,… trong đó, trọng tâm là nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quốc phòng, quân sự.

Hơn 30 năm xây dựng, phát triển, với ý thức chính trị, trách nhiệm cao, nghiêm túc, say mê, sáng tạo, tận tụy làm việc của đội ngũ cán bộ, Viện đã tổ chức thực hiện hàng trăm công trình, đề tài nghiên cứu chiến lược có giá trị, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Các công trình, đề tài của Viện đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề và cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc, như: “Chống chiến lược Diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch”, “Luận cứ khoa học của Chiến lược quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới”, “Bảo vệ Tổ quốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Học thuyết quân sự Việt nam”, v.v. Nghiên cứu nắm chắc diễn biến an ninh, chính trị khu vực, thế giới; đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Viện trực tiếp biên soạn, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 1998, 2004, 2009, 2019), thể hiện rõ quan điểm xây dựng nền quốc phòng hòa bình, tự vệ, tạo niềm tin đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Trực tiếp nghiên cứu, tham mưu, biên soạn Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam; cùng các cơ quan chiến lược quốc gia, bộ, ngành nghiên cứu, biên soạn các chiến lược chuyên ngành, xây dựng đề án quân sự, quốc phòng; dự báo các hình thái chiến tranh, vấn đề biên giới, biển, đảo, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân thời kỳ mới,… góp phần quan trọng bổ sung, phát triển đường lối nghệ thuật quân sự của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là những vấn đề thể hiện bước phát triển về chất, phản ánh rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược quốc phòng, quân sự của Viện.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó dự báo; các nước lớn vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh kiềm chế và can dự, chi phối công việc nội bộ một số nước. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội đột phá trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Các vấn đề an ninh phi truyền thống,… nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá toàn diện, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh; “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, v.v. Những vấn đề đó, đòi hỏi Viện cần nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược về quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc; tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược. Trước hết, Viện tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Nghị quyết số 347-NQ/TW, ngày 23/5/2015 của Quân ủy Trung ương về Nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, v.v. Trong nghiên cứu, quán triệt cần nắm vững quan điểm, tư duy mới và định hướng của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh, v.v. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo sớm, chính xác tình hình trong nước, khu vực và thế giới, kịp thời đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để mâu thuẫn, tranh chấp phát triển thành xung đột vũ trang, chiến tranh. Chú trọng nghiên cứu đề xuất các chủ trương, giải pháp tổng thể, cơ bản, trước mắt, trung hạn, dài hạn ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, nhất là trên Biển Đông và vùng biển Tây Nam.

Hai là, bám sát thực tiễn và sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là 30 năm chiến tranh cách mạng và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước để lại nhiều bài học quý, như: kế sách dựng nước và giữ nước, tổ chức, chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tác chiến chiến lược, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng Quân đội nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; đường lối chiến tranh nhân dân,... đây là những luận cứ khoa học cho hoạt động nghiên cứu, tham mưu chiến lược. Bởi vậy, trong các hoạt động nghiên cứu đội ngũ cán bộ phải thấm nhuần thực tiễn đấu tranh chống ngoại xâm; xây dựng, phát triển đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa, quân sự thế giới; nắm vững sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là đường lối xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng hiện đại, tổ chức, biên chế: “tinh, gọn, mạnh”; từ năm 2030 hiện đại, v.v. Cùng với đó, nắm chắc những biến động về chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh khu vực, thế giới, nhất là các điểm nóng hiện nay. Đó là những cơ sở dữ liệu, chất liệu cho đội ngũ cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nhận định và đưa ra dự báo chiến lược tác động đến quốc phòng, quân sự Việt Nam. Chủ động, tích cực phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu của các bộ, ngành, quốc gia; một số nước lớn, bạn bè truyền thống, các tổ chức quốc tế, thậm chí trực tiếp với một số nhà khoa học có uy tín quốc tế nhằm trao đổi thông tin, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu chiến lược chất lượng cao, ngang tầm nhiệm vụ. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ khoa học của Viện phải trung thành, mưu lược, sáng tạo, có kỹ năng nghiên cứu, ý thức, trách nhiệm lao động khoa học nghiêm túc, say mê, tận tụy; tập trung trí tuệ nghiên cứu, đề xuất các luận cứ khoa học có giá trị cao. Đồng thời, phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo cơ bản, chuyên sâu ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, bảo đảm cho đội ngũ này có kiến thức quốc phòng, quân sự “vượt trội”, vững chắc, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, khả năng nghiên cứu tốt, hội tụ đầy đủ các yếu tố của nhà khoa học quân sự, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, năng lực quản lý, tổ chức điều hành, trình độ ngoại ngữ tốt, có khả năng giao tiếp và đối ngoại. Tổ chức tốt các hoạt động bồi dưỡng cán bộ tại chỗ thông qua đăng ký, lựa chọn đề tài, giao vấn đề nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ, qua đó rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu. Đồng thời, tổ chức cho đội ngũ cán bộ tham dự các buổi họp Hội đồng Khoa học, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt khoa học; duy trì nền nếp hoạt động nghiên cứu thực tế tại các đơn vị, địa phương, thậm chí đề xuất đi nghiên cứu thực tế ở một số quốc gia, chú trọng các nước lớn, các nước phát triển, những nơi đang là điểm nóng của thế giới, giúp họ có đầy đủ thông tin nghiên cứu, viết sách, hướng dẫn học viên đào tạo sau đại học, v.v.

Bốn là, tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào hoạt động nghiên cứu, tham mưu chiến lược. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tác động sâu sắc tới hầu hết các lĩnh vực, trong đó có quân sự, quốc phòng. Vì thế, trong nghiên cứu, tham mưu, Viện ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực, như: tra cứu, số hóa tài liệu, lập cơ sở dữ liệu sử dụng trên hệ thống mạng của Viện; dịch, chuyển ngôn ngữ trong các cuộc hội thảo song phương, đa phương, các tài liệu liên quan đến quốc phòng, an ninh, quân sự từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; trình chiếu, phát lại các cuộc biểu tình, chiến tranh, diễn tập,… giúp đội ngũ cán bộ nghiên cứu tìm lời giải. Trong các hội thảo, hội nghị trực tuyến, bảo vệ đề tài ứng dụng trình chiếu phim, ảnh, video clip, truyền tín hiệu, v.v. Đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ khoa học thu thập, nắm bắt thông tin, có cái nhìn toàn cảnh, toàn bộ sự việc. Mặc dù có sự việc diễn ra quá lâu, ở rất xa, chất lượng tài liệu, phim, ảnh xuống cấp, song ứng dụng công nghệ có thể khắc phục những hạn chế đó, cung cấp tư liệu trung thực cho đội ngũ cán bộ khoa học làm cơ sở nghiên cứu. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài, cung cấp nhiều cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu, tham mưu những vấn đề về quốc phòng, quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 30 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Viện Chiến lược quốc phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Phát huy truyền thống đó, Viện quyết tâm xây dựng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ CƯƠNG QUYẾT, Viện trưởng