Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Hà Giang xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

12/16/2019 7:53:59 AM

Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng, nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các địa phương. Nhận thức rõ vấn đề đó, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 2 và cả nước. Những năm qua, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, kinh tế - xã hội phát triển chậm, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trung tâm, song luôn chú trọng đúng mức đến củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đại tá Nguyễn Công Dần chỉ đạo xây dựng quyết tâm tác chiến phòng thủ

Trước hết, Tỉnh tập trung quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ; trọng tâm là Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP, Nghị định 02/2016/NĐ-CP, Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án về công tác quốc phòng, quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ,… tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cơ sở tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, trước hết là cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và cơ quan quân sự các địa phương đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền mở rộng đối tượng, đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục quốc phòng và an ninh1 phù hợp với thực tiễn của địa bàn, trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, tích cực tiến hành công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.

Hà Giang giàu truyền thống cách mạng và cũng là địa phương sau cùng bước ra khỏi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nên có nhiều đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, v.v. Để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ, Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chính sách hậu phương Quân đội, “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh đã vận động, huy động được hàng chục tỉ đồng, trợ cấp thường xuyên và đột xuất cho 62.248 lượt hộ, với trên 316.800 nhân khẩu; trong đó có: 65 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 2.243 gia đình liệt sĩ; 1.033 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; xây dựng, trao tặng 33 Nhà Tình nghĩa, 10 Nhà Đồng đội cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; xét duyệt, chi trả trợ cấp cho trên 50.000 đối tượng theo các quyết định của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, chính xác. Đáng chú ý là, ngày 28-9-2019, với sự tham gia của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tỉnh đã tổ chức lễ phát động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, người có công, hộ nghèo xã biên giới, với mục tiêu: xây dựng được 2.000 căn nhà từ nay đến năm 2020. Cùng với đó, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính quyền vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng.

Với đặc điểm của tỉnh miền núi biên giới khó khăn, nhằm tạo nguồn lực vật chất cho khu vực phòng thủ, Tỉnh chú trọng phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Theo đó, việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh được Tỉnh chủ động triển khai ngay từ trong chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ban, ngành và địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an và các sở, ban, ngành, thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cơ sở để tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh phê dyệt. Đến nay, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như: xây dựng khu đô thị, trụ sở làm việc của các cơ quan; các khu, cụm công nghiệp; các nhà máy thủy điện; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, trồng rừng,… đang triển khai xây dựng hoặc đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có tính lưỡng dụng cao. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, xây dựng cơ bản, y tế, bưu chính - viễn thông được Tỉnh tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng gắn với yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, các tuyến Quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, đường vành đai biên giới được nâng cấp, mở rộng và làm mới, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các khu vực trọng điểm quốc phòng, quân sự, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Thực hiện quyết định của Chính phủ về quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh tập trung xây dựng hoàn chỉnh Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành của Tỉnh, các cơ quan Quân khu tổ chức thực hiện theo lộ trình đã xác định. Đồng thời, tích cực triển khai rà phá bom mìn, vật cản, đưa dân về tái định cư ở các thôn, bản giáp biên theo Chương trình 120 của Chính phủ; đảm bảo tốt việc điều chỉnh quy hoạch, bố trí dân cư và xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo trên vùng biên giới, vùng dự án, trọng tâm là 02 khu kinh tế - quốc phòng: Vị Xuyên, Xín Mần. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, xây dựng củng cố hệ thống đồn, trạm Biên phòng trở thành các chốt, cụm chốt, trận địa phòng ngự trong thế trận quân sự khu vực phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Cùng với xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao. Thời gian qua, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan quân sự các cấp theo hướng tinh, gọn, mạnh, đảm bảo cân đối giữa lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ. Đến nay, Tỉnh đã xây dựng được 283 cơ sở dân quân tự vệ, trong đó có 05 đơn vị dân quân thường trực luân phiên; quân số đạt 02% so với dân số; số lượng đảng viên trong dân quân tự vệ đạt 20,8%. Lực lượng dự bị động viên được sắp xếp vào các đơn vị đạt 100% biên chế; tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 93,8%. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy”; bổ sung hoàn chỉnh các văn kiện, kế hoạch tác chiến và các kế hoạch: Động viên quốc phòng; Phòng không nhân dân; Phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức huấn luyện, diễn tập chặt chẽ, đúng quy định, sát thực tế chiến đấu. Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh đã chỉ đạo 100% huyện (thành phố) và cụm xã, phường, thị trấn tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ kết hợp với tìm kiếm, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng, v.v. Đặc biệt, năm 2019, Tỉnh đã tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh với quy mô lớn, có nhiều thành phần, lực lượng tham gia, với nhiều nội dung mới. Thông qua các cuộc diễn tập, giúp Tỉnh bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động của khu vực phòng thủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, trình độ chỉ huy, khả năng hiệp đồng của lực lượng vũ trang địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, đảm bảo việc xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), tiềm lực khu vực phòng thủ Tỉnh được tăng cường về mọi mặt. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố ngày càng vững mạnh. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ được vận hành tốt. Các địa phương đã kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Kinh tế của Tỉnh có bước phát triển khá; an ninh chính trị được giữ vững, tình hình nông thôn ổn định. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng có chất lượng cao, số lượng hợp lý, đủ khả năng làm nòng cốt trong bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn Tỉnh từng bước được củng cố vững chắc. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Hà Giang tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN CÔNG DẦN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_____________

1 - Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 97.469 lượt các đối tượng; trong đó, có hơn 80 chức sắc, chức việc các tôn giáo và trên 3.500 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đoàn viên, thanh niên chuẩn bị nhập ngũ; tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 73.851 lượt học sinh, sinh viên, đạt 100% kế hoạch đề ra.