Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Để biển, đảo mãi là không gian sinh tồn, phát triển

9/16/2019 7:35:26 AM

Ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển...”. Điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy mới, quan điểm nhất quán của Đảng về biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt tinh thần Nghị quyết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu chùm bài: “Để biển, đảo mãi là không gian sinh tồn, phát triển” của nhóm tác giả: THANH PHÚC - XUÂN CƯỜNG - BÁ BÌNH.

I. Quan điểm của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Biển và đại dương là không gian sinh tồn của con người, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Hiện nay, trước xu hướng nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền dần cạn kiệt do sự khai thác quá mức của các quốc gia thì biển và đại dương lại càng trở nên quan trọng. Hầu hết các quốc gia, nhất là các quốc gia có biển đều hướng ra biển và đại dương nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của mình. Từ sự chuyển dịch chiến lược đó, biển không chỉ là nguồn lợi, không gian sinh tồn, mà còn là nơi nhạy cảm, phức tạp do sự tranh giành ảnh hưởng, tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các quốc gia. Thực tiễn đó đặt ra cho mỗi quốc gia có biển phải có chiến lược về biển nhằm phát triển đất nước gắn chặt với bảo vệ an ninh quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, bảo vệ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Đó là mục tiêu, lợi ích cốt lõi của các quốc gia có biển trong thế kỷ XXI.

Biển, đảo Việt Nam - tiềm năng, lợi thế

Là quốc gia biển, Việt Nam được thiên nhiên “ban tặng” vùng biển rộng, có diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng một triệu ki-lô-mét vuông (gấp 03 lần diện tích đất liền), hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, 48 vũng, vịnh và chiều dài bờ biển lên tới 3.260 km. Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông - nơi không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú, trữ lượng lớn về hải sản, khoáng sản, mà còn là đầu mối giao thông hàng hải, hàng không huyết mạch giao thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, các nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng vì thế, Việt Nam có vị trí địa chiến lược đối với khu vực và thế giới, có tầm ảnh hưởng lớn trong chiến lược của các cường quốc. Điều đó vừa là lợi thế lớn, vừa là thách thức không nhỏ đối với nước ta trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vùng biển Việt Nam với hàng nghìn đảo, quần đảo trở thành “tấm lá chắn” ở sườn Đông, Nam và Tây Nam của đất nước. Thực tế trong lịch sử, phần lớn các cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, kẻ thù đều tiến hành từ hướng biển. Hiện tại, Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền, ranh giới giữa một số nước trong khu vực và trở thành tâm điểm tranh giành lợi ích, tầm ảnh hưởng giữa các nước lớn rất quyết liệt, làm cho tình hình ở khu vực này vốn đã phức tạp lại càng phức tạp, nhạy cảm và khó dự báo hơn. Tất cả điều đó đương nhiên đã và đang tác động nhiều chiều, cả tích cực và tiêu cực đến chiến lược biển, phát triển kinh tế biển của Việt Nam.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Biển Đông và vùng biển Việt Nam, cũng như đánh giá đúng tình hình mọi mặt, Đảng ta luôn xác định biển, đảo là một bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc và cùng với đất liền là không gian sinh tồn, phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam. Kế thừa tư tưởng của ông cha ta về xác lập chủ quyền biển, đảo, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển chiến lược hướng ra biển, khai thác nguồn lợi từ biển để đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Theo đó, ngày 06-5-1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ban hành Nghị quyết 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”, khẳng định tầm quan trọng và vị trí chiến lược của biển và kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân.

Đến Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996), lần đầu tiên Đảng ta bàn về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; trong đó, xác định rõ: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”. Tiếp đó, ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Tại Đại hội X (tháng 4-2006), Đảng ta khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển hệ thống cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, ngày 09-02-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kết thúc 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và đã trải qua 20 năm đổi mới, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, quan hệ kinh tế của nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế được mở rộng thông qua thực hiện các hiệp định đa phương và song phương, góp phần tạo ra thế và lực mới cho đất nước. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được đẩy mạnh và có điều chỉnh chi tiết, phù hợp với tình hình. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: cần kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh những nội dung trọng tâm và giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, như: tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, thực hiện quân với dân một ý chí. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững…”.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XII, trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW và những phát triển mới về tình hình khu vực, thế giới, ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Như vậy, qua các kỳ đại hội, tư duy lý luận của Đảng về biển và vùng biển của Tổ quốc không ngừng phát triển, hoàn thiện, được cụ thể hóa bằng Chiến lược biển Việt Nam. Chiến lược không chỉ xác định rõ sự phát triển trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, mà còn có tầm nhìn trên 20 năm (2045); trong đó, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng: biển, đảo Việt Nam là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, phát triển của dân tộc ta, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Mặc dù sở hữu vùng biển giàu tiềm năng, lợi thế, nhưng cũng là nơi diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những thách thức, nguy cơ mất ổn định, khó dự báo. Điều đó tạo cho nước ta một vị thế kép cả về địa chính trị và địa kinh tế, tác động tích cực đến quan hệ đối ngoại để phát triển đất nước, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ vị trí tự nhiên - lịch sử, cùng với vị thế, uy tín trên trường quốc tế của nước ta, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế trên biển, vùng ven biển, hải đảo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, gắn với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, trách nhiệm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

THANH PHÚC - XUÂN CƯỜNG - BÁ BÌNH
__________________

(Số sau: II. Thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (Xem số sau tại đây).