Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Cùng với các lực lượng, Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia cuộc chiến chống “giặc” Covid-19

3/7/2020 12:16:57 PM

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), cho đến 07 giờ 30 phút sáng ngày (06-3-2020), thế giới có 98.088 trường hợp mắc bệnh covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Dịch bệnh này từ Trung Quốc đã lan ra 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 3.356 người tử vong; tỷ lệ tử vong do dịch này trên toàn cầu khoảng 3,4% người nhiễm. Khác với các dịch bệnh khác, Covid-19 là một thảm họa y học - xã hội. virus Covid-19 (Còn có tên gọi là Covid ở Vũ Hán) là một chủng mới chưa từng xuất hiện; nó có khả năng lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, nhiều trường hợp đã tử vong. Một trong những khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 là do thời gian ủ bệnh khá lâu (14 ngày). Trong thời gian ủ bệnh, người nhiễm dường như không có biểu hiện gì. Điều này, khiến chi virus lây lan âm thầm và nhiều người nghi nhiễm bị kỳ thị, cho dù họ không bị nhiễm.

Vì đặc trưng ủ bệnh và lây nhiễm của virus covid-19, nhiều quốc gia buộc phải có biện pháp ứng phó, trong đó có ngừng, miễn thị thực cho người nước ngoài, nhất là đối với người Trung Quốc và những người đã đi qua vùng có dịch. Cho đến nay, đã có hơn 80 quốc gia áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, Hàn Quốc. Ở nước ta, một vài địa phương đã có biểu hiện kỳ thị, thiếu thiện cảm với người nghi nhiễm, nhất là đối với người từng ở trung tâm của dịch Covid-19. 

Ở Việt Nam, dịch Covid-19 khởi đầu ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, bắt đầu từ 13-02-2020. Từ nhiều nguồn bệnh, dịch này đã nhanh chóng lan ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, song mới chỉ có 16 ca nhiễm trong cả nước - trong đó có 02 người quốc tịch Trung Quốc, 01 người quốc tịch Hoa kỳ. Cho đến nay, tất cả 16 người nhiễm đầu tiên ở Việt Nam đã âm tính với Covid-19. Ở Sơn Lôi - nơi khởi phát dịch, sau 22 ngày áp dụng đồng bộ các biện pháp cách ly tạm thời, đến ngày 03-3-2020 mọi biện pháp cách ly cũng đã được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, mới đây nhất, Thành phố Hà Nội thông báo đã có người dương tính với Covid-19. Đó là một phụ nữ ở Hà Nội đi du lịch từ vùng dịch Italy, về nước hôm 02-3 nhưng không khai báo y tế. Đây là ca bệnh thứ 17 ở Việt Nam, chấm dứt chuỗi 22 ngày cả nước không ghi nhận bệnh nhân mới. Đây cũng là ca đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Thông tin về bệnh nhân này được công bố tối ngày 06-3-2020 tại cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Nhân dân thành phố, sau khi có kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Theo thông báo của Bộ Y tế và thành phố Hà Nội, bệnh nhân nữ, 26 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Người này xuất cảnh ngày 15-02-2020 bay sang London, Anh; ngày 18-02 bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italy) du lịch. Ngày 25-02, bệnh nhân sang Paris, Pháp, sau đó quay trở lại London. Bốn ngày sau, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Các cơ quan chức năng của Thành phố và Quận tối ngày 07-3-2020 đã khoanh vùng khu vực có bệnh nhân, lập chốt tại 2 đầu khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực. Các đội điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tại khu vực nhà bệnh nhân; tại nơi bệnh nhân đến khám ban đầu; tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và hồi cứu quá trình nhập cảnh tại sân bay Nội Bài của bệnh nhân, v.v.

Cảnh giác cao với “giặc” Covid-19, Bộ Giáo dục - đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đã cho học sinh, sinh viên không đến trường ngay sau khi có dịch… nhiều trường áp dụng học tập trên mạng “online” để bảo đảm chươg trình cho học sinh. Đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh  (CDC) thuộc Bộ Y tế & Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (một tổ chức y học có uy tín quốc tế) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng”.

Vì sao dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, gây hậu quả lớn về người và của tại các quốc gia có trình độ phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp Đức, Italy…? Vì sao các quốc gia nói trên không ngăn được dịch Covid-19 mà Việt Nam  đã thành công (bước đầu) trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh này?

Trước hết, cần phải loại trừ những nguyên nhân như Việt Nam có nguồn lực tài chính lớn, có nguồn nhân lực y học có trình độc cao hơn các nước, v.v. Thành công bước đầu trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 ở nước ta là nhờ sự ưu việt của chế độ, ở đường lối, chính sách, của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế, sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, công chức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, v.v. Trong đó, có sự tham gia đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 170/QĐ-TTg, ngày 30-01-2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 26-02-2020 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Văn kiện này yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, áp dụng nghiêm các biện pháp y tế cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Để giảm thiểu khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã miễn, giảm, hoãn đóng góp tài chính cho các doang nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Về đối ngoại, Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo ngay cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng; trong đó, có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Được biết trong thời gian dịch bệnh hiện nay, hàng ngày Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã họp để chỉ đạo các ngành, các cấp và chính quyền địa phương ứng phó kịp thời với những diễn biến mới của dịch.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 mới giành được thắng lợi bước đầu, song thắng lợi đó là một sự kiện giúp chúng ta tự tin, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội và Nhà nước ta. Tình người trong xã hội với tinh thần “Thương người như thể thương thân” đã thể hiện sinh động ở nhiều địa phương trong cả nước.

Ở “tuyến đầu” của cuộc chiến là tấm lòng và sự dũng cảm của các “chiến sĩ áo trắng” - những bác sĩ, nhân viên y tế không sợ lây nhiễm trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Nhiều chị em có con nhỏ gần cả tháng không về thăm nhà vì phải điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chủ động mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế chuyển miễn phí đến địa chỉ có dịch. Nhiều em nhỏ đã dành số tiền mừng tuổi ít ỏi đóng góp để mua khẩu trang và vật dụng y tế. Có bà mẹ đã chủ động may hàng chục ngàn khẩu trang tặng miễn phí đến bà con vùng trọng điểm dịch; không ít doanh nghiệp đã gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp miễn phí cho bà con vùng dịch. Đồng bào xa Tổ quốc cũng góp phần chống dịch, như Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã gửi về nước một khối lượng lớn khẩu trang y tế để hỗ trợ cho nhân dân vùng có dịch, v.v. Nói về tình người trong cuộc chiến này, có người đã nói “Thiết nghĩ chúng ta phải cám ơn con Covid-19 vì nó đã đánh thức tình người, đã test (kiểm tra) trên thực tế nét văn hóa - nhân văn cao quý của dân tộc và bản chất tốt đẹp của chế độ ta”.  

Điều đặc biệt là các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng xung kích, to lớn, ngăn chặn kịp thời dịch Covid-19. Ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các đơn vị ở biên giới đã sẵn sàng đón tiếp bà con từ nước bạn trở về, kể cả những người đi theo đường mòn, lối mở. Ngay từ những ngày đầu tháng 02-2020, các đơn vị quân đội ở biên giới phía Bắc đã tiếp nhận hàng trăm người từ Trung Quốc trở về. Ở đây, bà con đã được bố trí nơi ăn, chốn ở trong doanh trại và sinh hoạt theo tiêu chuẩn của Quân đội. Bà con được đối xử bình đẳng, không phân biệt vùng miền; không yêu cầu trình báo lý do đi về. Do số lượng người từ các vùng dịch trở về rất lớn, nên Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lập khu cách ly tập trung để dễ chăm sóc bà con và số người trở về lên đến hàng nghìn người. Hàng ngày, mọi người được kiểm tra sức khỏe do các y, bác sĩ quân y thực hiện (2 lần/ngày đo thân nhiệt); chế độ ăn, nghỉ theo tiêu chuẩn Quân đội: ngày ba bữa, ít nhất có 3 món: món mặn có thịt hoặc cá, xào và canh. Các suất ăn được đóng sẵn trong hộp, mang đến tận nơi. Điều khiến nhiều bà con cảm động nhất là tinh thần phục vụ tận tình của các chiến sĩ... Có người còn nói vui, ở đây 14 ngày chẳng khác gì một kỷ nghỉ dưỡng.

Được biết, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân đội phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, dịch bùng phát thành đại dịch, Quân đội phải sẵn sàng hàng vạn chỗ ở trong doanh trại và chế độ sinh hoạt như quân nhân cho người cách ly. Nhằm triển khai công tác chuẩn bị cho tình huống xấu, sáng 04-3-2020, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập phòng, chống dịch trong toàn quân. Cuộc diễn tập nhằm thống nhất trình tự, nội dung, phương pháp chỉ huy, điều hành phòng, chống dịch trong mọi tình huống với các cấp độ. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc diễn tập xử lý vấn đề an ninh phi truyền thống trên phạm vi cả nước, với nhiều lực lượng, cả trong và ngoài Quân đội tham gia, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Những thành công bước đầu trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được Tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sáng 28-02-2020, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đại diện của WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC), đã khẳng định: Việc kiểm soát Covid-19 lây lan trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn, chúng tôi mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh với cộng động quốc tế. 

Về mặt Y học - Công nghệ, Quân đội đã có một đóng góp quan trọng, đó là nghiên cứu, sản xuất bộ kít (Thiết bị thử nhanh mẫu máu đánh giá có virus Covid-19 không) của Học viện Quân y. Được biết, hiện nay bộ kít mới chỉ có một số quốc gia có thể sản xuất được. Khi bộ kít này được đưa vào sản xuất, sử dụng, chúng ta sẽ có thể cứu sống được nhiều người do đã phát hiện kịp thời dịch bệnh.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Với bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội cách mạng - “Bộ đội Cụ Hồ”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh cùng các lực lượng, cảnh giác cao độ, ứng trực thường xuyên, sẵn sàng tham gia chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

 TS. CAO ĐỨC THÁI, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Từ khóa :dịch Covid-19