Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển

11/16/2020 8:02:35 AM

Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển là nhiệm vụ chính trị của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biên giới, vùng biển được giao, tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Hà Tĩnh có tuyến biên giới đất liền dài trên 164 km, tiếp giáp với hai tỉnh Bolykhămxay, Khăm muộn của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và 137 km bờ biển. Tình hình an ninh trên hai tuyến biên giới của Tỉnh diễn biến tương đối phức tạp. Ngoại biên, bọn phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta và nước Bạn, tuyên truyền, lôi kéo, kích động người Mông di, dịch cư tự do. Nội biên, các đối tượng cực đoan tôn giáo đẩy mạnh truyền đạo trái phép, hoạt động của các loại tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, quy mô, tính chất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Trên biển, một số tàu, thuyền nước ngoài khai thác thủy, hải sản, xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta, v.v.

Hội nghị giao ban phối hợp bảo vệ an ninh trật tự giữa Bộ đội Biên phòng Tỉnh và Công an, Bộ đội tỉnh Bôlykhămxay, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (năm 2019)

Nhận thức rõ đặc điểm, tình hình và nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh vừa tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác biên phòng, vừa trực tiếp triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là, chủ động nắm chắc tình hình an ninh biên giới, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của bạn Lào tổ chức tuần tra song phương, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ; phối hợp với các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư,… tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn vùng biển đảm nhiệm; tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; làm tốt công tác xuất, nhập cảnh, đối ngoại biên phòng1; tham gia phòng, chống cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương,… góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn biên giới, vùng biển được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác nắm tình hình có thời điểm chưa kịp thời, toàn diện, nhất là các đối tượng cực đoan tôn giáo và tình hình an ninh trên biển; phối hợp với các lực lượng liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có lúc chưa chặt chẽ, v.v. Thời gian tới, tình hình an ninh tuyến biên giới trên bộ và vùng biển của Tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo,… đẩy mạnh hoạt động chống phá, đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi lực lượng Biên phòng cần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung vào một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng chỉ đạo xuyên suốt quá trình bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển của lực lượng Biên phòng Tỉnh. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, đồn, trạm Biên phòng tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Luật Biên giới quốc gia, các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh. Đồng thời, nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia trong tình hình mới; các văn bản pháp lý trong nước, quốc tế về quản lý người, phương tiện qua lại biên giới, tàu thuyền hoạt động trên biển, v.v.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, phương án, bảo đảm sát đặc điểm địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ, hiệp đồng, triển khai thực hiện. Tập trung xây dựng lực lượng Biên phòng Tỉnh vững mạnh về mọi mặt, phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển. Trong đó, chú trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác biên phòng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy trì nghiêm các quy chế, quy định của Bộ Chỉ huy, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn biên giới, vùng biển đảm nhiệm làm mục tiêu cao nhất và là tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị.

2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng. Trước hết, các cơ quan, đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa củng cố lực lượng, nhất là lực lượng trinh sát với đổi mới phương thức nắm, tổng hợp, phân tích, đánh giá chính xác tình hình địa bàn cả nội biên, ngoại biên khu vực biên giới trên bộ và trên biển, chú trọng những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị, điểm nóng về tôn giáo, báo cáo kịp thời theo phân cấp, làm cơ sở xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời âm mưu, ý đồ hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới; thường xuyên nâng cao chất lượng công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, cửa sông, cửa lạch. Đồng thời, chú trọng chấn chỉnh tác phong làm việc, giữ gìn hình ảnh, phẩm chất đạo đức của cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì hiệu quả thủ tục biên phòng điện tử, tạo thông thoáng, thuận lợi cho người, phương tiện qua lại cửa khẩu, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Chủ động lập các chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm kết hợp mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và các loại tội phạm làm trong sạch địa bàn. Tập trung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án, nhất là phương án bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới trên bộ, trên biển, đảo và thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập; duy trì chặt chẽ, nghiêm túc nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đủ quân số, vũ khí trang bị, phương tiện, sẵn sàng cơ động phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cửa khẩu và chủ quyền biển, đảo.

3. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan. Đây là nhiệm vụ chung của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân trong đó Bộ đội Biên phòng Tỉnh làm nòng cốt. Vì vậy, để tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liện quan, như: Cơ quan Quân sự, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Dân quân tự vệ và các lực lượng bảo vệ biên giới của Bạn,… đặc biệt với lực lượng Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nội dung phối hợp toàn diện, trong đó tập trung cung cấp, trao đổi thông tin, thống nhất nhận định, đánh giá tình hình an ninh chính trị địa bàn khu vực biên giới trên bộ, trên biển và cách thức, biện pháp xử lý làm cơ sở tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đối sách, biện pháp xử lý, giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên khu vực biên giới, vùng biển được giao.

Để bảo đảm thống nhất và phát huy sức mạnh tổng hợp, các lực lượng phải nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, quy chế phối hợp do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành, trong đó lực lượng Biên phòng là cơ quan trung tâm phối hợp, hiệp đồng và hướng dẫn thực hiện; thường xuyên nghiên cứu, phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tham mưu bổ sung, phát triển, hoàn thiện cơ chế, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia trong tình hình mới”; thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã; phân công cán bộ Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới; đẩy mạnh mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”,… nhằm xây dựng địa bàn an ninh, an toàn, tạo tiền đề quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển trong mọi tình huống.

4. Đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh, các ban, ngành đẩy mạnh quan hệ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng của nước bạn Lào. Chú trọng duy trì nghiêm nền nếp, chế độ luân phiên giao ban, hội đàm, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu; đẩy mạnh hoạt động giao lưu biên giới, tuần tra song phương; duy trì hoạt động hiệu quả chương trình kết nghĩa giữa các đại đội bảo vệ biên giới của Bạn với các đồn Biên phòng của Tỉnh, chương trình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới; phát huy hiệu quả hoạt động trạm xá quân - dân y của Bộ đội Biên phòng Tỉnh tại bản Thoọng Pẹ (Lào), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và sự phối hợp của các lực lượng, ban, ngành, nhất là sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đoàn kết, thống nhất nội bộ, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh tuyến biên giới, vùng biển đảm nhiệm.

Thượng tá VÕ TIẾN NGHỊ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
_____________________       

1 - Trong 05 năm (2015 - 2020) lực lượng Biên phòng Tỉnh tổ chức 518 đợt/4.270 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra biên giới, trên biển; phối hợp với bạn Lào tổ chức 22 đợt/236 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra song phương; làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho hàng triệu lượt người, phương tiện, tàu, thuyền tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cảng Vũng Áng, v.v.