Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Binh đoàn 15 trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên

4/11/2021 9:13:38 PM

Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn Tây Nguyên - địa bàn chiến lược của Tổ quốc, Binh đoàn 15 gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng với quyết tâm, nghị lực và trí tuệ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động luôn đồng cam, cộng khổ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng địa bàn vững mạnh, góp phần tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Binh đoàn 15 là một trong số ít các đơn vị được thành lập sớm trong đội hình các đơn vị kinh tế - quốc phòng. Với bề dày hơn 36 năm khai hoang, phục hóa, cải tạo vùng đất đỏ bazan màu mỡ, nhưng bị ô nhiễm nặng do hậu quả của chiến tranh ở Tây nguyên - nơi có mật độ dân cư thấp, kinh tế, văn hóa, xã hội chậm phát triển, Binh đoàn đã đi “từ không tới có, từ gian khó tới vinh quang” và đang dệt nên trang sử vàng của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Thủ trưởng Binh đoàn thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sỹ, người lao động đơn vị tại Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2020

Trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn đến với Tây Nguyên bằng cả tình yêu, tình đồng chí, nghĩa đồng bào để hôm nay đã đơm hoa, kết trái trên cao nguyên hùng vĩ. Thành quả đó đã khẳng định tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam - đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chủ trương xây dựng Binh đoàn trên cả ba chiến lược: “xây dựng vùng chiến lược, trồng cây chiến lược, chiến lược xây dựng con người” và khẳng định chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là đúng đắn, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Phối hợp với địa phương xây dựng tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Đứng chân trên 271 thôn, làng thuộc 37 xã, 09 huyện, thành phố của 04 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định), địa bàn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (251 km đường biên giới phía Tây Tổ quốc), vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo,... nơi nối liền các con đường chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ba nước Đông Dương. Đồng thời, triển khai thực hiện nhiệm vụ ở 02 huyện thuộc tỉnh Attapư của nước bạn Lào và 04 xã, 03 huyện của tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia dọc biên giới với Việt Nam.

Từ ngày đầu thành lập (20/02/1985), với quân số chỉ gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, người lao động, bằng sự nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tại chỗ, kết hợp với cử cán bộ về các tỉnh miền núi phía Bắc vận động nhân dân vào lập nghiệp trên quê hương mới và chủ động, tích cực đưa nhân dân lên khu vực biên giới sinh sống, Binh đoàn đã triển khai nhiều chính sách ổn định và chăm lo đời sống, từng bước mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, Binh đoàn có 14.364 lao động, gồm 28 dân tộc (trong đó 7.300 người dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số tại chỗ là 5.171 người). Đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố và tăng cường thế trận khu vực phòng thủ; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, xóa dần hủ tục, đẩy lùi đói nghèo, tạo tiền đề cho việc xây dựng các thôn, làng, xã, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương. Từ chỗ nhiều khu vực, địa bàn “trắng dân”, đến nay, đồng bào các dân tộc đã sinh sống ở khắp địa bàn công ty do Binh đoàn quản lý, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, tạo “phên dậu” bảo vệ tuyến biên giới phía Tây Tổ quốc.

Ý thức rõ trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giữ ổn định địa bàn, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương: gắn bó với dân, giữ dân, yên dân trên địa bàn biên giới theo phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; Đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ người kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược. Thông qua đó, tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, không để kẻ địch lợi dụng, lôi kéo, không tham gia biểu tình, không mắc mưu bọn phản động (Fulro, Tin lành Đêga, tà đạo Hà mòn). Bằng hành động thiết thực, Binh đoàn đã thực hiện rất hiệu quả công tác dân vận, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các thiết chế văn hóa, giúp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp thu văn hóa mới, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Binh đoàn đã ký và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp công tác với 05 huyện, thành phố của 02 tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các công ty, đơn vị kết nghĩa với 271 thôn, làng. Đặc biệt, Binh đoàn đã sáng tạo mô hình “gắn kết hộ” - kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực hiện sáng kiến này, toàn Binh đoàn đã có gần 4.000 cặp hộ gắn kết, phát huy hiệu quả trong việc nâng cao năng suất lao động, kiến thức, đời sống,… và thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó 28 dân tộc anh em trên địa bàn.

Với chủ trương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng có tính “lưỡng dụng” cao, vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tạo bộ mặt nông thôn mới ở các khu định canh, định cư của đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là làm mới và sửa chữa hơn 1.500 km đường giao thông liên thôn, liên xã; 400 km đường điện; xây dựng, tu sửa hàng trăm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà Rông văn hóa cho đồng bào; hàng nghìn “Nhà đồng đội”, “Nhà tình thương”, “Nhà tình nghĩa”,... cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở; hàng chục hồ, đập, hàng trăm giếng khoan; 01 bệnh viện hạng hai với 200 giường, 11 bệnh xá quân - dân y kết hợp; bàn giao cho địa phương 08 trường tiểu học, trung học cơ sở; xây mới 02 trường tiểu học, trung học nội trú. Hiện nay, Binh đoàn có 11 trường mầm non, với 130 điểm trường, 325 nhóm lớp, gần 6.000 cháu, trong đó hơn 2.000 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua công tác đào tạo nghề và tổ chức sản xuất, 100% lao động người dân tộc thiểu số và nhân dân trên địa bàn đã thay đổi toàn diện về tư duy, tập quán sản xuất cũ, nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác, làm việc có kỷ luật, kỹ thuật và năng suất cao.

Hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su

2. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Mặc dù tên gọi, tổ chức, biên chế, trang bị là mô hình của một đơn vị kinh tế quốc phòng, nhưng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ thị, kế hoạch huấn luyện cho đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và lực lượng tự vệ; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng khu vực phòng thủ và quy định về tổ chức lực lượng, sẵn sàng chiến đấu. Các công ty, đơn vị, đội sản xuất, nhà máy, xí nghiệp,… được bố trí phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức khu vực phòng thủ tỉnh, huyện.

Trên cơ sở các chỉ lệnh, chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về công tác quân sự, quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã ra nghị quyết lãnh đạo và triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác quân sự, quốc phòng; duy trì chặt chẽ, thường xuyên, nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức lực lượng nắm chắc tình hình ở các khu vực, địa bàn trọng điểm; chú trọng công tác kiểm tra, tăng cường ca, kíp trực trong các dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, đơn vị và những thời điểm nhạy cảm. Phối hợp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ với các huyện và các đơn vị của Bộ, Quân khu 5 đạt kết quả tốt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Các cơ quan chức năng của Binh đoàn thường xuyên rà soát, kiện toàn lực lượng tự vệ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và độ tin cậy, huy động xử lý tốt các vụ việc. Duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời xử trí có hiệu quả các tình huống. Xây dựng kế hoạch hiệp đồng với các lực lượng trong nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và cứu sập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thảm họa theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình thực hiện tốt quy chế phối hợp theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Chủ động phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn nắm tình hình, dự báo các tình huống, có biện pháp xử lý linh hoạt, phù hợp, không để bị động, bất ngờ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống xâm nhập, vượt biên trái phép, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển.

Từ năm 2012 đến nay, Binh đoàn đã tổ chức tập huấn chiến dịch cho hơn 1.200 lượt cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị; tổ chức luyện tập, diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; trong đó, thực hành 03 cuộc diễn tập lớn: Diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên, 2 cấp “BV-12” có một phần thực binh; Diễn tập “BV-16” về tác chiến bảo vệ biên giới, địa bàn và cơ sở sản xuất; tham gia Diễn tập chỉ huy - tham mưu 1 bên, 2 cấp trên bản đồ có một phần thực binh trên địa bàn Tây Nguyên “TNg-18”, được Bộ Tổng Tham mưu đánh giá cao, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn giữ vững thế trận chính trị, không để xảy ra tụ tập biểu tình, gây rối, bạo loạn. Đây là kết quả của quá trình vừa xây dựng, vừa vận động, giáo dục thuyết phục và điều quan trọng là sự có mặt của Binh đoàn đã tạo sự thay đổi cuộc sống của đồng bào, từ nếp nghĩ, cách làm đến thói quen sinh hoạt, cung cách làm việc, giúp họ yên tâm gắn bó xây dựng địa phương, xây dựng Binh đoàn.

Tự hào về truyền thống vẻ vang, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động Binh đoàn 15 nguyện nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân, ra sức giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang: “Kiên định mục tiêu; Vượt mọi gian khó; Gắn bó với dân; Sáng tạo, chuyên cần; Đoàn kết quyết thắng”, góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Đại tá HOÀNG VĂN SỸ, Tư lệnh Binh đoàn